Theo The Sun, bé gái 13 tuổi Julia Chavez được kê thuốc kháng sinh ở một trung tâm chăm sóc khẩn cấp tại địa phương nhưng qua đời 12 tiếng sau đó do bệnh bạch cầu không được chẩn đoán.
Cụ thể, cuối tuần trước, Julia cảm thấy không khỏe và được đưa đến bệnh viện ở Augusta (Colombia, Mỹ). Sau khi chụp chiếu và làm các xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán cô bé mắc bệnh bạch cầu.
Anh Dennis Lee Chavez (bố của Julia) đau lòng kể, con gái bị bị chảy máu não, phổi và dạ dày. “Đây là nơi chúng tôi phát hiện con bé bị bệnh bạch cầu. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, quá khó khăn. Các bác sĩ nói với chúng tôi rằng bệnh khó phát hiện sớm”, anh Dennis nói.
Bên cạnh đau tai và đau đầu, trước đó, Julia thỉnh thoảng có những vết thâm tím trên người nhưng gia đình không mấy bận tâm do cô bé khá hiếu động.
Người bố nhớ lại: “Khi trên người Julia xuất hiện một vết thâm tím, chúng tôi hỏi con bé vì sao lại bị như vậy, con bé nói ‘Con không biết’ rồi nhún vai cho qua. Chúng tôi nghĩ là vì con có chút tinh nghịch”.
Chia sẻ với Augusta Chronicle, mẹ của Julia cho hay cô bé chưa từng bị ốm nặng, chỉ đôi lúc sụt sịt. Julia muốn trở thành một nghệ sĩ và vô cùng đam mê văn hóa Nhật Bản. Cô bé cũng luôn dành sự ưu tiên cho gia đình và yêu thương các anh chị em.
Quỹ Hỗ trợ Ung thư Macmillan thông tin, bệnh bạch cầu (còn gọi ung thư máu, máu trắng) là một loại ung thư của các tế bào bạch cầu, có nhiều dạng khác nhau. Bệnh bạch cầu được đặt theo loại tế bào bạch cầu bị tổn thương hoặc tính chất mạn tính hay cấp tính.
Bệnh bạch cầu cấp tính xảy ra đột ngột, thường trong vài ngày hoặc vài tuần, tiến triển nhanh chóng và cần được điều trị khẩn cấp. Trong khi đó, bệnh bạch cầu mạn tính phát triển chậm hơn, thường trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Theo các chuyên gia, bệnh bạch cầu cấp tính nhiều khả năng gây ra các triệu chứng trong vài tuần, bệnh nhân sẽ cảm thấy suy sụp khá nhanh.
Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải gồm trông nhợt nhạt, cảm thấy rất mệt mỏi (triệu chứng rất phổ biến), khó thở, chóng mặt hoặc lâng lâng, đánh trống ngực (cảm thấy tim đập nhanh), đau họng hoặc miệng, bị nhiễm trùng, cảm thấy không khỏe và bị kiệt sức, sốt cao, bầm tím không rõ nguyên nhân, chảy máu nướu răng, chảy máu cam, xuất hiện các đốm máu hoặc phát ban trên da (đốm xuất huyết), kinh nguyệt ra nhiều.
Người bệnh cũng có thể bị đổ mồ hôi đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau nhức và rối loạn thị giác. Các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu mà họ mắc.
Đinh Kim(Theo The Sun)