(ĐSPL) - Các phương tiện truyền thông đưa tin, một bé gái 11 tuổi người Ấn Độ, ở thành phố Indore, bang Madhya Pradesh vừa qua đời hôm 31/1 vì bị một tay cảnh sát địa phương đốt chết.
Nguyên nhân của sự việc đau lòng này được nhà chức trách nhanh chóng làm rõ như sau: Chiều 29/1, cô bé xấu số đã tự ý lấy chiếc xe đạp của viên cảnh sát Prakash Jaroliya (là hàng xóm gia đình em) để đi dạo. Tức giận vì cô bé đi xe đạp không xin phép mình, gã cảnh sát Jaroliya đánh cô bé Yasmeen, rồi kéo cô bé vào trong nhà mình.
Một lát sau, cô bé Yasmeen khóc thét lên, chạy ra khỏi nhà gã hàng xóm với ngọn lửa bùng cháy khắp cơ thể. Hàng xóm kinh hoàng nhanh chóng xông vào dập lửa và đưa cô bé đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Nhưng vì vết thương quá nặng, bỏng toàn thân, cô bé Yasmeen xinh xắn 11 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/1.
Cháu Yasmeen khi đang điều trị tại bệnh viện. |
Trước khi qua đời, cô bé kịp kể lại cho người thân, cha mẹ mình biết nỗi đau đớn về thân xác cô đã trải qua do bàn tay độc của gã hàng xóm gây nên. Theo đó, trong cơn giận dữ, viên cảnh sát Prakash Jaroliya đã đè cô bé xuống đất và đổ dầu hỏa lên người, rồi châm lửa đốt, mặc cho cô bé hết lời xin lỗi và kêu cứu gọi bố mẹ.
Lúc này bố mẹ cô bé Yasmeen không có nhà, nên con gái của họ đã trở thành ngọn đuốc sống, chết trong tình trạng bỏng toàn thân, tột cùng đau đớn, khổ sở.
Nghe hàng xóm thông báo con gái 11 tuổi của mình bị gã hàng xóm làm nghề cảnh sát thiêu chết, bà Rehana (mẹ cô bé Yasmeen) như rụng rời chân tay, bàng hoàng đứng tim, không tin đó là sự thật. Bà mẹ nạn nhân yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật trừng trị thích đáng kẻ đã giết chết con gái bà, chỉ vì một lý do đơn giản là cháu lấy xe đạp của hắn đi chơi mà không xin phép.
Sau khi gây án, gã cảnh sát Jaroliya cùng gia đình đã bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện cảnh sát thành phố Indore đang mở cuộc điều tra, bắt kẻ giết người về quy án.
Luật ta: Tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng
Trẻ em là tương lai của đất nước, gia đình và xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và dạy dỗ. Dù ở nước nào cũng vậy, pháp luật luôn bảo vệ trẻ em.
Một cảnh sát như Jaroliya am hiểu pháp luật, làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật lại có thể hành xử với một cháu bé 11 tuổi tàn độc như vậy là điều không thể chấp nhận.
Cho dù cô bé có làm mất chiếc xe đạp đi chăng nữa, gã cảnh sát kia cũng không được quyền đánh cháu bé Yasmeen, huống hồ là dùng dầu hỏa đốt chết cháu.
Đây là hành động tàn ác, mất hết tính người. Rõ ràng, việc gã hàng xóm tẩm dầu hỏa, châm lửa đốt cô bé 11 tuổi là hành vi trái pháp luật, trái luân thường đạo lý, khiến dư luận phẫn nộ.
Mặc dù biết dầu hỏa là chất rất dễ gây cháy, nguy hiểm cho tính mạng của con người nhưng gã hàng xóm vẫn cứ tưới lên người cô bé, rồi châm lửa đốt.
Ở đây, mục đích giết chết cô bé của gã cảnh sát đã thể hiện quá rõ. Hậu quả là cô bé Yasmeen chết bỏng trong đau đớn. Mối quan hệ của hành vi phạm tội với hậu quả chết người đã xảy ra. Tôi thấy rằng, lỗi của kẻ phóng hỏa đốt người là lỗi cố ý trực tiếp và hắn mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
Chiếu theo quy định của luật pháp Việt Nam, gã cảnh sát Jaroliya sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với theo khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Khoản 1 quy định: "Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: c) giết trẻ em; i) thực hiện tội phạm một cách man rợ; g) vì động cơ đê hèn".
Thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ cần có 1 trong 3 tình tiết định khung tăng nặng nêu trên, nhất là khi nạn nhân lại là trẻ em, kẻ giết người Jaroliya sẽ phải đối mặt với án phạt cao nhất là tử hình.