Một bé sơ sinh 6 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, co giật liên tục, gồng cứng người, bỏ bú, sốt cao, đe dọa đến tính mạng do gia đình dùng dao lam cắt dây rốn tại nhà.
Sau khi thăm khám và hỏi bệnh sử, bé được chẩn đoán uốn ván rốn sơ sinh, và được các bác sĩ Khoa Sơ sinh BV. Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi điều trị tích cực theo phác đồ với thở máy hỗ trợ hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, kháng sinh, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Theo chia sẻ của gia đình cháu bé, đây là trường hợp con thứ 3, sinh thường đủ tháng tại nhà, được cắt rốn bằng dao lam cũ không vô trùng. Trong quá trình mang thai, mẹ bé không đi khám thai và không tiêm phòng uốn ván. Cháu bé con của người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện miền núi Sơn Hà, kinh tế khó khăn, không có kiến thức đầy đủ về tầm quan trọng của quản lý thai nghén và chăm sóc thiết yếu sơ sinh.
Với sự nỗ lực cứu chữa bằng phương tiện và trang thiết bị hiện có của tập thể nhân viên bệnh viện và sự giúp sức của gia đình, sau 30 ngày điều trị, trẻ đã qua giai đoạn nguy hiểm và dần tự thở được, hết co giật, giảm tình trạng tăng trương lực cơ. Trẻ tiếp tục được hỗ trợ phục hồi chức năng bú, nuốt và dinh dưỡng sau 45 ngày kể từ ngày nhập viện, cháu đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện cùng gia đình.
Cháu bé bị uốn ván rốn. |
Trước đó, đầu năm 2017 cũng xảy ra trường hợp tương tự. Bệnh nhi là cháu Y Đa Phúc (10 ngày tuổi, ngụ xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin) nguy kịch do nhiễm uốn ván được đưa vào bệnh viện đa khoa Đắk Lắk.
Tại thời điểm nhập viện cháu bé có các triệu chứng sốt, co giật toàn thân, bỏ bú. Qua chẩn đoán cháu Y Đa Phúc bị uốn ván rốn.
Người nhà cháu Đa Phúc biết, sau khi sinh tại nhà, cháu Đa Phúc được người thân dùng dao lam cắt rốn và mấy ngày sau cháu sốt cao, tay chân co quắp, bỏ bú. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành tiêm kháng sinh, kháng huyết thanh chống uốn ván cho bệnh nhân.
Hiện cháu Y Đa Phúc đã giảm tình trạng co giật, thở đều nhưng phản xạ thấp, dịch nâu bẩn.
Uốn ván rốn sơ sinh là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp đơn giản như tiêm vắcxin ngừa uốn ván cho bà mẹ mang thai và cắt rốn bằng dụng cụ vô trùng.
Hàng năm, khoa Sơ sinh BV. Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận nhiều trường hợp uốn ván rốn từ các huyện chuyển về, nhưng đây là trường hợp hy hữu được cứu sống. Qua đây mong rằng phụ nữ mang thai sẽ quan tâm đến sức khoẻ sinh sản đầy đủ hơn để những em bé ra đời mạnh khoẻ, đem lại một thế hệ tương lai tươi sáng cho tỉnh nhà.
Mỹ An (T/h)