Trong tuần này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu kín đề bầu chọn tổng thư ký mới, thay thế ông Ban Ki-moon mãn nhiệm vào cuối năm nay.
Hiện tại có 12 ứng cử viên cùng chạy đua vào vị trí này và thật khó để đánh giá trong số họ ai nặng ký hơn ai. Dù ai được lựa chọn vào “ghế nóng” cũng đều phải sẵn sàng cho những thay đổi trong một thế giới không ngừng vận động như hiện nay.
Đông Âu và nữ giới chiếm ưu thế
Danh sách các ứng cử viên cho cương vị tổng thư ký Liên hợp quốc bao gồm: ông Igor Lukši’c - cựu Thủ tướng Montenegro; bà Irina Bokova - cựu Ngoại trưởng Bulgaria và hiện là người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); ông Danilo Türk - cựu Tổng thống Slovenia; bà Vesna Pusi - cựu Ngoại trưởng Croatia; bà Natalia Gherman- cựu Phó Thủ tướng Moldova; Srgian Kerim nước cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ; ông Vuk Jeremi - cựu Ngoại trưởng Serbia; bà Helen Clark- cựu Thủ tướng New Zealand và hiện là Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); ông António Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và từng là người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR); bà Susana Malcorra - hiện là Ngoại trưởng Argentina và từng là Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc từ năm 2008-2012; ông Miroslav Lajčák - Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Slovakia; và bà Christiana Figueres - nhà ngoại giao người Costa Rica. Có thể thấy rõ các đại diện đa số từ khu vực Đông Âu và tỷ lệ nữ giới đang chiếm tới 50\% trong cuộc đua này.
Quang cảnh Đại hội đồng Liên hợp quốc. |
Theo truyền thống, vị trí tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ được xoay vòng giữa 5 khu vực: Tây Âu, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, châu Phi, Đông Âu. Tính đến nay, chỉ riêng khu vực Đông Âu là chưa có đại diện nào giữ cương vị này. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng vị tổng thư ký sắp tới chắc hẳn sẽ là đại diện từ khu vực.
Đại diện của Macedonia - cựu Ngoại trưởng Srgjan Kerim là người được đánh giá nhỉnh hơn cả. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc từ năm 2007 - 2008, thông thạo 9 ngoại ngữ và có mối quan hệ thân thiết với báo giới. Cương lĩnh tranh cử của ông Kerim đề cao việc hướng tới tạo dựng niềm tin và quan hệ đối tác giữa các quốc gia, qua đó tái thiết những vùng đất bị chiến tranh tàn phá.
Trong bối cảnh bình đẳng giới là một vấn đề được Liên hợp quốc quan tâm từ lâu và nhiều nước thành viên thời gian qua đã kêu gọi cần phải có một nữ tổng thư ký. Bà Bokova được xem là ứng cử viên nổi bật, khi vừa là đại diện của khu vực Đông Âu và lại có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Một nữ ứng cử viên khác cũng đang thu hút được nhiều sự chú ý là Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Bà Clark từng được mệnh danh là “một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở Liên hợp quốc”. Vai trò của bà tại UNDP đã được nói đến rất nhiều và các quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đều yêu mến bà.
Sự đổi mới lịch sử
Lâu nay, 193 nước thành viên của Liên hợp quốc vẫn phàn nàn về quy trình lựa chọn tổng thư ký khi mà các cuộc bầu chọn diễn ra trong các phòng họp kín của Hội đồng Bảo an. Sau đó, cơ quan siêu quyền lực này sẽ đề cử một ứng cử viên duy nhất để đưa ra Đại hội đồng phê chuẩn. Nhưng năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của Liên hợp quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm tổng thư ký được dựa trên các nguyên tắc minh bạch và đa dạng.
Các quốc gia thành viên được quyền tiến cử người mình chọn, còn các ứng cử viên thì phải nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở phiên điều trần công khai của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm giành phiếu của các phái đoàn từ 193 quốc gia. Ngày 14/7 vừa qua, các ứng cử viên đã có phiên điều trần được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình Al Jazeera và trên mạng trực tuyến của Liên hợp quốc, trả lời trực tiếp các câu hỏi của khán giả truyền hình về các vấn đề từ phong cách lãnh đạo tới biến đổi khí hậu, vấn đề hòa bình ở Trung Đông, sứ mệnh của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cuộc chiến chống đói nghèo, bệnh tật và bất bình đẳng giới…
Trong phiên điều trần, nhiều ứng cử viên cho rằng Liên hợp quốc cần tìm cách xóa bỏ các nguyên nhân gốc rễ gây xung đột thay vì chỉ giải quyết những hậu quả do xung đột gây ra. Ông Antonio Guterres đã thẳng thừng chỉ trích phương thức làm việc hiện nay của Liên hợp quốc là “thảo luận thì quá nhiều nhưng quyết định đưa ra lại quá ít”. Trong khi bà Vesna Pusi’c cho rằng nội bộ Liên hợp quốc hiện có nhiều rạn nứt; lực lượng gìn giữ hòa bình không trọn vẹn sứ mệnh của mình; và các tiến trình hòa bình có sự can dự của quá nhiều nhà hòa giải, trong khi mỗi nhà hòa giải này lại có một chương trình nghị sự khác nhau.
Tên của vị tân tổng thư ký sẽ được xướng vào tháng 10 tới và nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Dù là ai, tân tổng thư ký Liên hợp quốc cũng sẽ phải đối mặt với các nhiệm vụ vốn thường trực với tổ chức này đó là chấm dứt tình trạng đói nghèo, biến đổi khí hậu, xây dựng hòa bình trên thế giới, tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu... Ứng cử viên Igor Lukši’c nói: "Vai trò của tổng thư ký tiếp theo sẽ không phải là vẽ ra sự hứa hẹn mới mà là đảm bảo thực hiện triệt để những cam kết đã đưa ra trước đó".
Hy vọng rằng, với những sự đổi mới lịch sử trong tiến trình bầu chọn, Liên hợp quốc với vị tổng thư ký mới sẽ góp thêm nhiều tiếng nói giá trị hơn, với cách tiếp cận mới mẻ hơn, hiệu quả hơn vào sự hòa bình và thịnh vượng của thế giới.
Nguồn: TTXVN
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]fcYRd9GIUC[/mecloud]