(ĐSPL) – Từng được coi là “quyền lực số 1” ở ngân hàng Á Châu (ACB), nhưng sau vài năm với nhiều sóng gió, bầu Kiên đã không còn tầm ảnh hưởng lớn tới ngân hàng này nữa.
Bầu Kiên hầu tòa, cổ phiếu ACB vẫn tăng
Trong tuần vừa qua, sự kiện Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) hầu tòa một lần nữa gây sự chú ý từ dư luận, tuy nhiên, việc này lại không ảnh hưởng nhiều tới sàn chứng khoán, đặc biệt là đối với ngân hàng “ruột” – ACB.
Theo ghi nhận trên sàn chứng khoán, trong khoảng thời gian bầu Kiên hầu tòa (từ ngày 28/11 đến ngày 9/12), trong 5 phiên giao dịch, cổ phiếu ACB vẫn tăng 400đ/CP và giúp các lãnh đạo và nhân vật “cốt cán” của ngân hàng này kiếm hàng tỷ đồng.
Bầu Kiên: Hết thời “hô mưa gọi gió” ở ACB |
Hơn 38 triệu cổ phiếu đứng dưới tên bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên tăng thêm 15,41 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu ACB của bầu Kiên tăng thêm hơn 14 tỷ đồng.
Các sếp đương nhiệm của ACB cũng được hưởng lợi từ đà tăng này. Cụ thể, giá trị cổ phiếu ACB do ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB tăng thêm 11,5 tỷ đồng. Ông Trần Mộng Hùng, thành viên Hội đồng quản trị ACB “đút túi” 6,61 tỷ đồng.
Còn đâu “quyền lực ngầm”
Còn nhớ khi kết thúc phiên sơ thẩm, trong lời cuối của mình trước Hội đồng xét xử, bầu Kiên đã dành khá nhiều thời gian để nhắc đến ngân hàng TMCP Á Châu để “tri ân” các đồng nghiệp, nhân viên của mình. Tuy rằng hết lời khen ngợi ACB là “ngân hàng được quản trị tốt nhất trong tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam” nhưng bầu Kiên cũng khéo léo nhắc đến tầm ảnh hưởng của mình tại ngân hàng này.
Xem video:
Đề nghị y án “bầu” Kiên 30 năm tù
Cụ thể, bầu Kiên nhấn mạnh không được cắt lương, đuổi việc: "đối với hơn 15 ngàn cán bộ NH Á châu, những người đã và đang giúp NH Á Châu làm ra rất nhiều việc thành công trong 20 năm qua, tôi mong các anh chị em sẽ tiếp tục làm việc thật tốt, cùng với ACB xây dựng đất nước này, xã hội này… Tôi cũng đã yêu cầu vợ tôi, yêu cầu ban lãnh đạo ACB ngày hôm nay không được cắt lương, không được đuổi việc những người này, vì họ là những thành phần lớn, những người đã tạo dựng ra thành công của ACB ngày hôm nay".
Ấy thế nhưng “có thực mới vực được đạo. Khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, ngân hàng Á châu rơi vào vòng xoáy của tâm bão khi đối mặt với những khoản đầu tư vàng thua lỗ hàng tỷ đồng, nợ xấu tăng cao và niềm tin của các nhà đầu tư bị đánh mất. Chẳng thế mà ngân hàng này thậm chí cuối năm 2012 đã phải viết “tâm thư” gửi tới các nhà đầu tư hãy tin tưởng vào con đường phía trước của ngân hàng.
Theo đó, để có được sự cải thiện về lợi nhuận, ACB thường xuyên lọt "top" các ngân hàng cắt giảm nhân sự nhiều nhất. Nếu như con số bầu Kiên đưa ra là 15.000 nhân viên thì theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm, tại thời điểm 30/9/2014, ACB có 9.222 nhân viên. Giảm gần 6.000 người dù đã đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự mới.
Đi cùng với cắt giảm nhân sự là cắt giảm lương. Theo báo cáo thu nhập của ACB, năm 2013 lương bình quân của mỗi cán bộ nhân viên ACB là 16,9 triệu đồng/tháng. Tính tới quý 3/2014, mức lương bình quân của nhân viên ngân hàng này chỉ đạt 13,94 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí, hồi năm 2012 khi bầu Kiên bị bắt, thu nhập của cán bộ nhân viên ACB đồng loạt giảm tới 30\% (vị trí giao dịch viên đang từ 8 triệu đồng/tháng chỉ còn 4,5-5 triệu đồng/tháng).
Như vậy, từ việc bầu Kiên “ra lệnh” không được giảm nhân sự, không được giảm lương không thành cho tới chuyện cổ phiếu ACB vẫn tăng trong khoảng thời gian ông bầu đình đám một thời hầu tòa, có thể thấy, thời “hô mưa gọi gió” của bầu Kiên tại ngân hàng này thực sự đã qua từ lâu lắm rồi!