Cuộc đua vào Điện Elysée đã bắt đầu bằng cuộc tranh luận trên truyền hình tối 13/10 (giờ địa phương) giữa 7 ứng cử viên cánh hữu, chủ yếu thuộc đảng đối lập "Những người Cộng hòa" (LR).
Bảy ứng cử viên cánh hữu. Ảnh: Reuters |
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong khuôn khổ vòng sơ bộ của cánh hữu được coi là điểm hẹn để các ứng cử viên giới thiệu chương trình tranh cử cùng các cam kết, đồng thời cũng là cơ hội để người dân có thêm thông tin về các ứng cử viên đăng ký ra tranh cử tổng thống vào năm 2017.
Theo kế hoạch, vòng sơ bộ cánh hữu sẽ diễn ra vào các ngày 20 và 27/11. Người chiến thắng tại vòng sơ bộ sẽ ra tranh cử tại cuộc bầu cử tổng thống Pháp gồm hai vòng theo hình thức phổ thông đầu phiếu vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm sau.
Cho đến nay, cánh hữu đã xác định được 7 ứng cử viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện để có thể ra tranh cử vòng sơ bộ, trong đó có 6 người thuộc đảng LR và một người thuộc đảng Dân chủ-Thiên chúa giáo (PCD).
Sáu thành viên đảng LR đều là những chính khách hàng đầu của Pháp, gồm Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé, 71 tuổi; cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, 61 tuổi; cựu Thủ tướng François Fillon, 62 tuổi; cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire, 47 tuổi; Jean-François Copé, 52 tuổi - cựu Chủ tịch đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP), đảng này sau đổi tên thành đảng LR; nguyên Phó Chủ tịch đảng LR Nathalie Kosciusko-Morizet - nữ ứng cử viên duy nhất, 43 tuổi; Jean-Frédéric Poisson, 53 tuổi, người đứng đầu đảng Dân chủ-Thiên chúa giáo (PCD).
Các ứng cử viên Pháp tranh luận trên truyền hình ngày 13/10. - Ảnh: Reuters |
Theo báo chí Pháp, mặc dù có rất nhiều gương mặt, nhưng đây chủ yếu là cuộc đua giữa hai ứng cử viên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất là Thị trưởng Juppé và cựu Tổng thống Sarkozy. Đây cũng là hai ứng cử viên có khả năng chiến thắng tại vòng sơ bộ. Các cuộc thăm dò được tiến hành trước buổi tranh luận đều cho thấy ông Juppé luôn có tỷ lệ ủng hộ cao hơn ông Sarkozy. Cuộc thăm dò gần nhất do tổ chức Kantar TNS-OnePoint thực hiện công bố ngày 10/10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Juppé đang tăng lên so với tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy (42% so với 28%).
Cuộc tranh luận kéo dài 150 phút được truyền hình trực tiếp trên các kênh TF1 và RTL đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của người dân Pháp. Trong bối cảnh nền kinh tế Pháp tăng trưởng chậm với tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 10%, thâm hụt ngân sách liên tục tăng, các vấn đề kinh tế-xã hội là chủ đề nóng được tập trung thảo luận.
Các ứng cử viên đã lần lượt trình bày quan điểm và giải pháp cho bài toán thất nghiệp, tạo việc làm thông qua việc giảm mức đóng góp cho doanh nghiệp; quan điểm về việc tăng thời gian làm việc, cắt giảm chi tiêu công đi cùng với việc tinh giản số công chức nhà nước; giải pháp cho vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách.
Trong phần hai của buổi thảo luận, các ứng cử viên đã thể hiện quan điểm về những vấn đề như bản sắc, tính thế tục, cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan và nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đưa ra giải pháp cho các vấn đề đang trở thành thách thức đối với nước Pháp, tất cả các ứng cử viên đều hướng tới việc tăng cường quyền lực của Nhà nước nhằm duy trì những giá trị của nền Cộng hòa.
Theo báo chí Pháp, cả 7 ứng cử viên đã tập trung vào việc trình bày quan điểm, không bị rơi vào các chỉ trích cá nhân hay công kích quan điểm và chính sách của nhau. Báo chí Pháp cũng chưa bình luận về quan điểm của các ứng cử viên về từng vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, thông qua các cuộc thăm dò nhanh trên mạng do báo "Le Figaro" tiến hành, hai ứng cử viên Sarkozy và Juppé được đánh giá là những người trình bày chương trình tranh cử thuyết phục nhất với tỷ lệ bầu chọn tương ứng là 25 và 23%.
Các cuộc tranh luận trực tiếp lần hai và ba dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 3/11 và ngày 17/11, tức là ba ngày trước khi diễn ra vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu. Ngoài ra, cuộc tranh luận lần thứ tư giữa hai ứng cử viên vào chung kết vòng sơ bộ sẽ diễn ra vào ngày 24/11.
Nguồn: TTXVN
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]tfleA6WMXH[/mecloud]