+Aa-
    Zalo

    Báo Nga: Tranh luận Trump-Clinton là “màn kịch” của bầu cử Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia Becker cho rằng, cả ông Trump và bà Clinton chỉ tìm mọi cách để chiến thắng mà không chiến đấu vì người dân Mỹ.

    Chuyên gia Becker cho rằng, cả ông Trump và bà Clinton chỉ tìm mọi cách để chiến thắng mà không chiến đấu vì người dân Mỹ.

    RT ngày 27/9 dẫn lời ông Brian Becker, Giám đốc liên minh chống chiến tranh “Answer” cho rằng, cuộc tranh luận đầu tiên của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã phản ánh rõ nét chu kỳ bầu cử Mỹ “nhạt nhẽo” và “trống rỗng”, nguy hiểm hơn, cuộc chạy đua của hai ứng cử viên thông qua những cam kết hỗ trợ quân sự sẽ không phải là điềm tốt cho nền chính trị Mỹ.

    Theo CNN, bà Clinton đã giành được lợi thế so với ông Trump sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. (Ảnh: New York Times)

    Một cuộc thăm dò dư luận của CNN/ORC sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên cho thấy, đa số cử tri cảm thấy bà Hillary Clinton đã giành lợi thế so với ông Trump.

    Tuy nhiên, theo chuyên gia Brian Becker, người ta không thể đánh giá chính xác lợi thế thực sự của hai ứng cử viên dựa trên những số liệu do CNN cung cấp bởi trong suốt thời gian qua, CNN đã luôn tích cực vận động cho bà Clinton.

    Ông Becker nói với RT: “Họ (CNN) đôi khi lên tiếng ủng hộ Trump nhưng thường xuyên tán tụng Clinton. CNN giống như một mạng lưới của Clinton, tương tự như những gì Fox News làm cho Trump. Họ không phải là phương tiện truyền thông mà là cái loa phóng thanh cho các chiến dịch chính trị tương ứng”.

    “Các cuộc tranh luận cho thấy sự nhạt nhẽo, giật gân giả tạo và sản phẩm điển hình của chu kỳ bầu cử ở Mỹ - một chu kỳ rất tốn kém, mất thời gian và rỗng tuếch. Cả hai người đều cố gắng vượt lên trên đối thủ bằng cách khoe khoang sự ủng hộ từ các tướng lĩnh và đô đốc. Đây không phải là điềm báo tốt cho nền chính trị Mỹ”, Becker nói thêm.

    Nếu bà Clinton thắng, quan hệ Nga – Mỹ sẽ xấu đi?

    Trước cuộc bầu cử, bà Hillary Clinton và những người ủng hộ bà đã nhiều lần chĩa mũi dùi công kích vào Nga, cáo buộc Trump đã trở thành “điệp viên bất đắc dĩ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin và “đe dọa đến an ninh quốc gia” của Mỹ.

    Trong cuộc tranh luận ngày 26/9, bà Clinton một lần nữa sử dụng “yếu tố Nga” để công kích đối thủ của mình: “Chúng ta cần làm rõ vấn đề này, nước Mỹ sức mạnh rất lớn và sẽ không chịu ngồi yên để đối thủ lấy cắp thông tin của chúng ta. Tôi cũng cảm thất rất bất ngờ khi ông Trump nhờ ông Putin xâm nhập hệ thống thông tin của Mỹ. Đó là một hành động không thể chấp nhận được. Donald Trump không xứng đáng làm Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ”.

    Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: New York Times)

    Theo quan điểm của Becker, đây là nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi những chính sách sai lầm của đảng Dân chủ, đồng thời làm leo thang căng thẳng với Nga – điều này sẽ chỉ có lợi cho các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ ủng hộ bà Clinton.

    Ông Becker nói: “Cuộc tấn công nhằm vào Nga bao gồm nỗ lực để đổ lỗi cho Nga về tất cả mọi thứ, kể cả về việc dữ liệu của Ủy ban Bầu cử quốc gia Đảng Dân Chủ (DNC) bị hack. Một số thư điện tử trong kho dữ liệu bị rò rỉ sau đó được Wikileaks tiết lộ có nội dung cho thấy, ban lãnh đạo đảng này đã tìm cách hủy hoại chiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders, nhằm tạo lợi thế cho bà Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ.

    Với việc đổ lỗi cho tin tặc Nga gây ra vụ việc, đảng Dân chủ có thể chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi hành vi sai trái của họ. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã tự bộc lộ nhiều hạn chế trong nội bộ ngoài sự chia rẽ”.

    “Bà Clinton có sự ủng hộ của tất cả những thành phần bảo thủ kiểu mới – những người mà theo tôi đại diện cho trào lưu đồng thuận chung ở Washington, đó là sự đồng thuận của các tổ hợp quân sự. Những tổ hợp này luôn muốn khuyến khích sự phản kháng trong dư luận Mỹ hoặc thậm chí là lòng thù hận với Nga và lấy đó làm cái cớ để kinh doanh các loại vũ khí quân sự.

    Việc mở rộng hoặc leo thang căng thẳng với Nga là điều kiện rất tốt cho việc kinh doanh vũ khí. Vì thế mà tôi cho rằng, cuộc bầu cử không đơn thuần chỉ mang tính chính trị và nếu bà Clinton được bầu thì đó sẽ là một tín hiệu xấu cho quan hệ Nga - Mỹ”, ông Becker nói thêm.

    Ông Trump liệu có khá hơn bà Clinton?

    Nhận xét về ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump, ông Becker cho rằng, ông Trump khá nổi bật trong đảng khi thể hiện quan điểm bài ngoại sâu sắc, điều này đánh đúng vào tâm lý của cử tri Mỹ khi làn sóng người nhập cư đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân bản địa.

    Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: New York Times)

    Tuy nhiên, khi cuộc chiến bắt đầu đi vào giai đoạn nước rút, ông Trump đang “cố gắng để giảm tông giọng” bởi nếu tiếp tục thể hiện quan điểm xa lánh người nhập cư, người da màu và cộng đồng người Latin thì “ông sẽ không thể giành được chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng”.

    Chuyên gia phân tích Becker cho rằng, về tổng thể, nhập cư không phải là vấn đề mà hai ứng cử viên thực sự quan tâm. Điều này được minh chứng qua việc người dẫn dắt cuộc tranh luận Lester Holt thậm chí còn không hỏi một câu nào về vấn đề này hôm 26/9.

    “Nó thực sự cho thấy sự vô nghĩa của chiến dịch tranh cử”, Becker bình luận.

    Ông Trump và bà Clinton “có thể tiếp tục công kích lẫn nhau, đó là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi cả hai cùng có vấn đề và họ đều muốn tìm cách đối phó thông qua việc tấn công lẫn nhau”, Becker nói: “Nhưng một lần nữa, cuộc tranh luận không đề cập đến các vấn đề quan trọng ở Mỹ. Làm thế nào để cải thiện đời sống cho người dân là một trong những vấn đề được cử tri quan tâm nhưng vấn đề đó lại không được các ứng cử viên thảo luận”.

    Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, cuộc tranh luận thiếu các quan điểm và góc nhìn mới mẻ khi các ứng cử viên của bên thứ ba không được phép tham dự.

    Ứng cử viên đảng Tự do Gary Johnson và ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein không được phép tham gia vào cuộc tranh luận trực tiếp bởi theo quy định của Ủy ban tổ chức tranh luận Tổng thống (CPD), một ứng cử viên phải đạt được sự ủng hộ tối thiểu 15% mới được tham gia tranh luận trực tiếp.

    Theo CPD, bà Clinton đạt trung bình 43%, và ông Trump đạt 40,4% trong các cuộc thăm dò này.

    Ứng cử viên đảng Tự do, ông Gary Johnson đạt 8,4% và ứng cử viên đảng Xanh, ông Jill Stein đạt 3,2% - thấp hơn tiêu chuẩn đặt ra nên không được mời tham dự cuộc tranh luận ngày 26/9.

    Theo RT, một số hãng tin đã kêu gọi cử tri Mỹ không ủng hộ các ứng cử viên tự do và nói với họ rằng, họ phải bỏ lá phiếu của mình cho ông Trump hoặc bà Clinton. Cựu Chủ tịch đảng Tự do James Lark cho rằng, cách tiếp cận này là “hoàn toàn sai”.

    “Tôi không biết chiến lược nào là đúng đắn. Tôi cũng không nói với cử tri Mỹ là họ nên bỏ phiếu cho ai. Tôi chỉ nói với họ rằng, tôi muốn bỏ phiếu cho người luôn tin tưởng tự do phải đi đôi với trách nhiệm cá nhân. Việc bỏ phiếu cho một ứng cử viên của bên thứ ba, chẳng hạn như Thống đốc Johnson sẽ có tác động đến cuộc bầu cử này nhiều hơn là chỉ dành phiếu bầu cho ông Trump hoặc bà Clinton”, ông Lark nói./.

    Hùng Cường
    Nguồn: VOV

    Xem thêm video tin tức: [mecloud]uiVyt2mByx[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-nga-tranh-luan-trump-clinton-la-man-kich-cua-bau-cu-my-a163680.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.