Trong cuộc họp báo mới đây, ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen đã nói: "Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc và được giải quyết bằng một hiệp ước hòa bình, tôi sẽ kêu gọi thực hiện quan hệ hợp tác chiến lược giữa NATO và Nga".
Trong cuộc họp báo, bà Le Pen cũng đã lên tiếng về quan hệ giữa bà và Nga. Vì quan hệ này, bà Le Pen đã bị coi là người "tự mãn" và "phụ thuộc tài chính" vào Điện Kremlin. Theo đó, ứng viên cực hữu khẳng định bất kỳ ý kiến nào cho rằng bà phản bội lợi ích của Pháp hoặc mắc nợ ông Putin đều "không chính xác và đặc biệt không công bằng".
Vào năm 2014, đảng của bà Le Pen đã vay 9 triệu euro từ một ngân hàng Nga-Séc cho các chiến dịch bầu cử địa phương. Hiện nay họ vẫn đang tiếp tục trả các khoản vay. Sau đó, tới năm 2017, bà Le Pen từng khẳng định bà chia sẻ những quan điểm giống với Tổng thống Nga Vladimir Putin và rằng một "trật tự thế giới mới" đang hình thành dưới sự lãnh đạo của ông Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ khi ấy là Donald Trump và bà.
Tuy nhiên, bà đã thay đổi nhận định về Nga kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào cuối tháng 2 vừa qua. Trong đó, bà lên án hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine và nói rằng bà giữ thái độ độc lập với bất kỳ quốc gia nước ngoài nào. Đồng thời, bà Le Pen cho biết bà đang tập trung vào những khó khăn của Pháp do các lệnh trừng phạt được áp đặt với Nga bao gồm lạm phát, chi phí năng lượng và chi phí xã hội tăng cao.
Tại cuộc họp báo, bà nó thêm: "Tôi chỉ bảo vệ lợi ích của nước Pháp".
Bà Le Pen nhận xét cách tiếp cận của bà rất giống với Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, vì ông đã xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Putin và theo đuổi biện pháp đối thoại với ông ấy, mời ông đến Điện Versailles và đến dinh thự mùa hè của ông ấy ở Địa Trung Hải.
Bà nói rằng việc tạo mối quan hệ với Nga sẽ góp phần ngăn Moscow trở nên quá thân thiết với Trung Quốc, lưu ý đây là lập luận trong quá khứ của Tổng thống Macron.
Về mặt quốc phòng, ứng viên Tổng thống Pháp tuyên bố: "Tôi sẽ đặt quân đội của chúng tôi không dưới sự chỉ huy tích hợp của NATO cũng như dưới sự chỉ huy của tổ chức châu Âu nào trong tương lai".
Được biết, bà Le Pen đã thay đổi chính sách của mình đối với châu Âu từ 5 năm trước, khi bà thúc đẩy Pháp rời EU và từ bỏ đồng tiền chung euro. Khi ấy, Tổng thống Macron đã nói rằng đề xuất thay đổi các hiệp ước, dỡ bỏ các quy tắc và cắt giảm đóng góp ngân sách có nghĩa là Pháp bị đẩy ra khỏi EU.
Ông Macron còn cho rằng bà Le Pen muốn rời EU và thành lập một liên minh mới với cánh hữu bao gồm các nước Hungary và Ba Lan. Trong năm 2017, bà từng vay tiền từ một ngân hàng Hungary để chi trả cho chiến dịch tranh cử và nói rằng các ngân hàng Pháp đã không cho bà vay tiền.
Giờ đây, bà Le Pen khẳng định bà không muốn "Frexit" mà chỉ muốn nới lỏng quan hệ hơn với EU. Bà giải thích: "Không ai phản đối EU, tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nước Pháp đóng góp vào khối. Nhưng tôi muốn giảm bớt sự đóng góp này".
Đồng thời, bà Le Pen nhận định Brexit là một thành công của nước Anh. Bà cho rằng giới quan chức Pháp đã sai khi dự đoán Anh sẽ trải qua một "trận đại hồng thuỷ" khi rút khỏi EU. Bà Le Pen phát biểu: "Người Anh đã thoát khỏi bộ máy quan liêu của Brussels, điều mà họ không bao giờ có thể chịu được, để chuyển sang một dự án đầy tham vọng của nước Anh toàn cầu. Đây không phải là kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi muốn cải tổ EU từ bên trong".
Ứng viên cực hứu Pháp cho biết bà muốn giữ quan hệ thân thiết với Đức nhưng sau đó, bà đã công kích vào sự khác biệt chiến lược giữa 2 nước. Nhưng bà khẳng định sẽ tiếp tục quan hệ hoà hảo với Đức nhưng không theo mô hình Macron-Merkel của Pháp đối với Berlin".
Minh Hạnh (Theo The Guardian)