Ngày 10/4 (giờ địa phương), Pháp đã tổ chức vòng bỏ phiếu đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống 2022. Theo đó, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đối thủ phe cực hữu của ông là bà Marine Le Pen đã tiếp tục tiến vào vòng bầu cử cuối cùng, dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới.
Trong đó, Tổng thống Macron đã giành được 27,6% phiếu bầu khi kết thúc vòng bỏ phiếu đầu tiên. Trong khi đó, Đối thủ của ông, Le Pen, một người có xu hướng thân Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhận được 23,4% phiếu bầu. Các cuộc thăm dò gần đây chỉ ra Tổng thống Macron có nhiều cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.
Tuy nhiên, khoảnh cách giữa ông và bà Le Pen đã gần nhiều so với 5 năm trước, khi ông lần đầu đối đầu với bà Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
Cuộc bầu cử có tác động đặc biệt ở châu Âu
Những dự đoán này đã khiến cả châu Âu và Mỹ hiện đang phải theo dõi sát sao những bước ngoặt của chiến dịch trong những ngày tới. Trong đó, các đồng minh đang cân nhắc liệu Paris có còn là một đối tác đáng tin cậy trong việc phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hay không.
Đối với NATO, bà Le Pen được xem là một tín hiệu cảnh báo khi bà từng thể hiện mong muốn rút cường quốc hạt nhân duy nhất của EU ra khỏi liên minh. Bà Le Pen cho biết việc này sẽ giúp Pháp không bị cuốn vào những cuộc xung đột không phải của họ. Lập trường đó gây ra mối quan ngại đặc biệt bởi vì bà Le Pen từ lâu đã có mối quan hệ tốt đẹp với Điện Kremlin và đã nhận các khoản vay từ một ngân hàng Nga.
Nếu bà Le Pen đánh bại ông Macron, việc này có thể tác động tới cả hoạt động của EU. Trong khi đảng của bà, National Rally, đã từ bỏ đề xuất rời khỏi EU, khu vực Schengen tự do và đồng euro, bà Le Pen nhìn chung vẫn là một người theo chủ nghĩa phản đối Liên minh châu Âu. Bà có kế hoạch giảm đóng góp của Pháp vào EU và thúc đẩy liên minh với các quốc gia như Hungary và Ba Lan, do các chính trị gia cùng chí hướng điều hành.
Phát biểu sau vòng bầu cử đầu tiên, Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với cả đất nước chúng ta và châu Âu".
Trong khi đó, phát biểu những người ủng hộ, bà Le Pen đã đề cập mạnh mẽ đến các vấn đề danh tính, chủ quyền và các mối quan tâm về giá cả sinh hoạt, đồng thời cam kết sẽ trở thành "một tổng thống cho tất cả người dân Pháp".
Các kết quả này củng cố ý tưởng rằng Pháp đã vượt ra khỏi sự phân chia cánh tả - hữu truyền thống đã thống trị nền chính trị thời hậu chiến. Trong khi đó, Pháp cũng hướng tới một sự phân chia mới giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc chống nhập cư, do bà Le Pen đại diện, và những người tiến bộ ủng hộ châu Âu, những người mong muốn toàn cầu hoá.
Hiện nay, phần lớn kết quả bầu cử sẽ phụ thuộc vào việc ứng cử viên nào có thể nhận được sự ủng hộ từ ông Jean-Luc Mélenchon, người đứng thứ 3 trong vòng bỏ phiếu đầu tiên với 21,9% phiếu bầu. Theo kết quả thăm dò gần đây từ Ipsos, một nửa số cử tri của ông Mélenchon không thích cả bà Le Pen và ông Macron, trong khi nửa còn lại đang cân nhắc giữa ông Macron và bà Le Pen, với ưu thế vẫn đang nghiêng về phía tổng thống Pháp đương nhiệm.
Bản thân ông Mélenchon đã kêu gọi cử tri không bỏ phiếu ủng hộ Le Pen ở vòng thứ 2 nhưng cũng không ủng hộ Tổng thống Macron. Trong bài phát biểu nhượng bộ của mình, ông Mélenchon nhấn mạnh: "Mỗi người trong số các bạn sẽ phải đối mặt với lương tâm của chính mình. Chúng ta không được phép bỏ một lá phiếu nào cho bà Marine Le Pen".
Khoảng cách sát sao
Politico đánh giá, cuộc bầu cử năm 2022 là cuộc bầu cử bà Le Pen có nhiều cơ hội đắc cử nhất.
Quay trở lại năm 2002, Tổng thống khi ấy Jacques Chirac đã dễ dàng hạ gục cha của bà Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen, với 82% phiếu bầu trong một cuộc đối đầu được coi là một cuộc chiến để bảo vệ các giá trị của Pháp. Năm 2017, bà Le Pen đã thua trước Tổng thống Macron với gần 34% phiếu bầu, một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với cha bà.
Tuy nhiên, theo ước tính từ các cuộc thăm dò, trong cuộc bầu cử năm 2022, bà Le Pen có thể giành được khoảng 47% phiếu bầu.
Căng thẳng xung quanh cuộc đua vào Điện Elysée đã làm gia tăng một vài vấn đề trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử.
Trong nhiều tháng, bà Le Pen đã đi vận động tranh cử ở các ngôi làng và thị trấn nhỏ trong một chiến dịch chi phí thấp, cố gắng tiếp cận những người Pháp bình thường. Sự tập trung từ sớm của bà vào các vấn đề chi phí sinh hoạt đã được chứng minh là kịp thời khi lạm phát và chi phí nhiên liệu ngày càng tăng ảnh hưởng đến ngân sách của Pháp.
Tự nhận mình là người đấu tranh vì người nghèo và chống lại giới tinh hoa, bà Le Pen cam kết sẽ "trả lại tiền cho người Pháp" với một loạt các đề xuất hào phóng, bao gồm cắt giảm thuế thu nhập cho thanh niên và cắt giảm thuế VAT đối với nhiên liệu, một biện pháp nhất định lôi kéo được những người ủng hộ các cuộc biểu tình Áo khoác vàng vào năm 2018 và 2019 chống lại thuế nhiên liệu.
Thách thức của bà là thuyết phục các cử tri, đặc biệt là các cử tri bảo thủ, rằng các đề xuất kinh tế của bà là bền vững.
Trong khi đó, Tổng thống Macron được coi là có cách tiếp cận cao tay đối với cuộc bầu cử. Ông chỉ mới tuyên bố tái tranh cử vào tháng trước và từ chối tranh luận với các ứng cử viên đối thủ. Ông được cho là đang cố gắng thu hút vốn chính trị từ các nỗ lực ngoại giao của mình để ngăn chặn xung đột Ukraine.
Tối 10/4, Tổng thống Macron cam kết sẽ giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt mà bà Le Pen đã nêu ra. Hiện nay, những người ủng hộ ông chủ Điện Elysée đương nhiệm kỳ vọng rằng bất chấp những sự hỗn loạn gần đây, thành tích của ông về việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Pháp sẽ được cử tri Pháp công nhận.
Minh Hạnh (Theo Politico)