Nếu cố tình “đi vào vết xe đổ”, xử lý trách nhiệm nặng hơn
Mới đây, tạp chí Đời sống và Pháp luật đăng tải bài viết: “Quảng Ngãi: Nhiều băn khoăn về dấu hiệu bất thường tại phòng GD&ĐT Đức Phổ”, phản ánh về dấu hiệu thất thoát gần 1,5 tỷ đồng tại gói thầu Mua sắm thiết bị dạy và học tối thiểu lớp 1, do Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) ký phê duyệt.
Cụ thể, đơn vị trúng gói thầu này là công ty TNHH MTV Nông Trí Phát với giá bỏ thầu: 3.060.745.000 đồng (Ba tỷ, không trăm sáu mươi triệu, bảy trăm bốn mươi lăm nghìn đồng), thấp hơn 4.255.000 đồng so với dự toán ban đầu, tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước rất thấp. Trong khi đó, rà soát lại đơn giá thiết bị của gói thầu trên, phóng viên phát hiện rất nhiều hạng mục có giá cao gấp nhiều lần so với giá khảo sát trên thị trường.
Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, luật sư Mai Quốc Việt (công ty Luật FDVN - đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) nhìn nhận: “Việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu hoạt động thường xuyên của các đơn vị, cơ quan Nhà nước xuất phát từ nguồn vốn ngân sách. Để đảm bảo hiệu quả công tác sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, cũng như lựa chọn được nhà thầu có năng lực thì công tác mở thầu, lựa chọn nhà thầu là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, có nhiều cá nhân, tổ chức vì những mục đích cá nhân, vụ lợi đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những thiệt hại rất lớn về tài sản, vật chất của Nhà nước. Vậy nên, công tác đấu thầu cần được quản lý chặt chẽ, minh bạch, công khai để đây không thể là “vùng đất màu mỡ” cho những cá nhân, tổ chức vi phạm”.
Vị luật sư cũng chỉ ra: “Theo quy định tại Điều 90, luật Đấu thầu 2013, Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trường hợp xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trường hợp điều tra, xác định được có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu, đội giá thiết bị để ăn chênh lệch, gây thất thoát ngân sách Nhà nước thì các cá nhân có hành vi vi phạm này có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, chế tài xử lý hành vi vi phạm đã được pháp luật quy định rất cụ thể.
Để giám sát, thực thi hoạt động đấu thầu, và phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức thì luật Đấu thầu 2013 tại chương 9 đã có thể hiện rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư,… và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã có quy định rõ hoạt động kiểm tra đấu thầu được thực hiện theo định kỳ, hoặc đột xuất (Điều 125 Nghị định 63/2014/NĐ-CP); cũng như hoạt động giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu (Điều 126 Nghị định 63/2014/NĐ-CP).
Do vậy, để tổ chức hoạt động đấu thầu diễn ra theo đúng quy định thì từ những người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cho đến các bên mời thầu đều có trách nhiệm thực hiện hoạt động giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu; và tùy theo nhiệm vụ được giao, khi xảy ra các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, các bên đều phải chịu trách nhiệm, từng hành vi vi phạm đã có các chế tài mà Nhà nước quy định”.
Trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng bày tỏ: “Trước hết, khi phát hiện những hành vi không trong sáng, nhằm đạt lợi ích không trong sáng, vi phạm pháp luật, đương nhiên chúng ta phải kịch liệt phản đối và lên án. Những vụ việc này phải được lên tiếng, và công khai, minh bạch trong khuôn khổ và quy chế.
Về vấn đề trong đấu thầu trang thiết bị giáo dục như đã nêu, cần sớm có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nếu có yêu cầu công khai minh bạch thông tin thì phải nghiêm túc chấp hành.
Còn nếu vì có những khuất tất phía sau mà không dám công khai, minh bạch thông tin thì càng cần phải xử lý mạnh tay hơn. Nếu đã vi phạm, cũng phải biết dừng, phải khắc phục hậu quả, hạn chế. Bên cạnh đó, nếu vượt quá mức độ xử lý hành chính thì cũng cần phải xem xét xử lý hình sự”.
“Trước đó, cũng đã có một số trường hợp vi phạm trong đấu thầu, xảy ra tại Thanh Hóa, Điện Biên,... Đó đều là những “bài học” rất lớn! Trên cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền xác định những hành vi đó là vì tư lợi cá nhân và có vi phạm, thì đó thực sự là những “vết nhơ” trong ngành giáo dục.
Nếu như đã có “bài học”, mà địa phương vẫn tiếp tục “vấp phải” những sự việc tương tự, thì càng đáng lên án hơn. Và cần phải có sự lên tiếng một cách đồng bộ và có cơ sở pháp lý. Rõ ràng, lãnh đạo mà có những hành vi như vậy, chính là đang cố tình “đi theo vết xe đổ”, cần có cách xử lý kịp thời. Đã không rút ra bài học kinh nghiệm, mà còn cố tình “đi vào vết xe đổ”, thì càng phải xử lý trách nhiệm nặng nề hơn”, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Cần làm rõ có hay không hành vi tham nhũng?
Đáng chú ý, tiếp nhận thông tin phản ánh từ tạp chí Đời sống và Pháp luật, phía phòng GD&ĐT lại có công văn phản hồi với nội dung: “Phòng GD&ĐT thị xã Đức Phổ đã làm đúng trình tự tổ chức đấu thầu mua sắm, theo các hướng dẫn tại Điều 60, Luật Đấu thầu 2013; Điều 84 Nghị định 63/2014/NĐ-CP; Điều 8 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT; Điều 6 Thông tư 190/2015/TT-BTC, khi không có năng lực tự lập E-HSMT và đánh giá E-HSDT”.
Thông tin phản hồi từ phòng GD&ĐT thị xã Đức Phổ lại khiến dư luận chưa thỏa đáng và còn đó những băn khoăn về sự bất thường trong công tác đấu thầu do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Trước những băn khoăn ấy, luật sư Mai Quốc Việt cho rằng: “Trong trường hợp này, do phòng GD&ĐT là đơn vị không có chuyên môn trong đấu thầu, nên có thể thuê đơn vị tư vấn đấu thầu là công ty CP Tư vấn xây dựng Công bằng và công ty TNHH MTV Thuận Thành Huy.
Tuy nhiên câu trả lời của vị đại diện phòng GD&ĐT như vậy là chưa thỏa đáng, bởi, bằng các thao tác đơn giản, hay phép so sánh, chúng ta cũng có thể nhận thấy sự chênh lệch về giá cả của các trang thiết bị trong gói thầu thầu so với thị trường chứ không hẳn là phải cần cơ quan chuyên môn đánh giá, thẩm định.
Trong khi đó, chủ đầu tư là bên phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo khoản 1 Điều 74 luật Đấu thầu 2013. Vậy nên, khi nhận thấy sự bất thường trong kết quả của các đơn vị thuê thẩm định, thì chủ đầu tư cần đánh giá trước khi chắp bút ký phê duyệt”.
“Có thể nhận thấy, pháp luật đã quy định các chế tài để xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, nhưng việc thực thi, chấp hành các quy định lại phụ thuộc vào con người. Ở đây là những người tổ chức thực hiện hoạt động đấu thầu.
Vậy nên, để hoạt động đấu thầu được diễn ra đúng quy định, đúng mục đích là mang đến sự công bằng, khách quan, thì cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc nhằm “rút ruột” ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu, nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp cần có phương án xử lý theo quy định của pháp luật”, vị luật sư phân tích thêm.
Tuệ Linh