Giá trị bình quân mỗi đơn hàng gây “sốc”
Báo Thanh niên đưa tin, báo cáo từ Tổng cục Thuế mới công bố, Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT) đến nay đã ghi nhận 333 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…
Cụ thể, thông tin của các sàn cung cấp thì trong quý IV/2022 có 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt 15.272 tỷ đồng. Trong quý I/2023 (tính đến ngày 24/6) có 9 tỷ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỷ đồng.
Nếu tính bình quân thì trong quý IV/2022, giá trị giao dịch của 1 đơn hàng đạt hơn 301.000 đồng. Đến quý I/2023, số lượt giao dịch tăng gấp 177 lần nhưng giá trị giao dịch bình quân lại giảm mạnh hơn 300 lần, chỉ còn khoảng 1.200 đồng/đơn hàng. Con số này khiến nhiều chuyên gia kinh tế, cá nhân đều bất ngờ.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét số liệu báo cáo từ các sàn TMĐT trong quý I/2023 là quá lạ. Bởi lẽ trên thị trường hiện nay cũng rất hiếm có sản phẩm nào được bán với giá chỉ 1.000 đồng.
Th.S Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng bày tỏ sự bất ngờ và khó hiểu vì sao 2 số liệu có sự chênh lệch rất xa nhau giữa 2 quý liền kề.
Theo ông Chinh có thể có 2 vấn đề xảy ra. Thứ nhất là các cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn TMĐT cũng có sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo, bán hàng. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tỷ lệ giao dịch thành công trên số lượt giao dịch trong quý đầu năm nay đạt đến 99,97% - hầu như tuyệt đối, nên loại trừ chuyện tăng lượt giao dịch "ảo".
Thứ 2 là người bán hàng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp theo quy định.
Đồng tình quan điểm trên, Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng nhận định số liệu cho thấy rõ sự nghịch lý. Trong khi lượng giao dịch tăng vọt đến con số vài trăm lần thì giá trị giao dịch bình quân lại giảm mạnh hơn 300 lần là khó hiểu, vô lý.
Điều này đặt ra vấn đề cơ quan thanh tra thuế, thanh tra Bộ Tài chính cần có sự kiểm tra lại các thông tin từ báo cáo của các sàn TMĐT. Từ đó công khai xem liệu có vấn đề gì sai sót hay không, có chuyện giấu doanh thu để trốn thuế hay không? Bởi từ trước đến nay, chính ngành thuế cũng đã thừa nhận TMĐT là lĩnh vực vẫn đang thất thoát thuế khá lớn, cơ quan thuế chưa kiểm soát được hết hoạt động kinh doanh mua bán cũng như doanh thu thực tế của nhiều cá nhân, tổ chức. Khi có những trường hợp sai phạm bị xử lý, truy thu thuế thì phải công khai rộng rãi để mang tính răn đe các hành vi tương tự có thể xảy ra, hạn chế thất thu thuế.
Tổng cục Thuế lên tiếng
VTV dẫn lời bà Tạ Thị Phương Lan , Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: Số lượt giao dịch kỳ quý I/2023 có dấu hiệu bất thường. Qua rà soát thì Tổng cục Thuế phát hiện sự bất thường này xuất phát từ việc kê khai của một sàn thương mại điện tử.
Theo đó, Công Ty Cổ Phần Cooky, MST 0314498604 có số lượt giao dịch trong quý IV/2022 là 40.247 lượt trong khi quý I/2023 là 9.034.169.633 lượt, có chênh lệch lớn bất thường so với kỳ cung cấp thông tin quý IV/2022, gấp 225 lần.
"Chúng tôi đã rà soát, thì thấy Công ty cổ phần Cooky, khi gửi thông tin đến cơ quan thuế do nhầm lẫn gì đó mà họ đã gửi con số lên đến hơn 9 tỷ giao dịch trong sàn của họ. Trong khi trước đó thì quý trước thì con số không lớn như vậy. Chúng tôi thấy rằng đây là một lỗi mà do phía sàn cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến dữ liệu của cơ quan thuế là không đúng. Chúng tôi đã có việc thông báo cho các sàn để điều chỉnh lại thông tin, bắt đầu từ quý sau thì dữ liệu gửi sẽ phải chính xác hơn", bà Tạ Thị Phương Lan nói.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, sau khi trừ đi số liệu kê khai không chính xác của Công ty Cooky, thì số lượt giao dịch qua các sàn TMĐT quý I/2023 chỉ ở khoảng 47 triệu lượt.
Trước thông tin một số thông tin cho rằng giá trị bình quân mỗi đơn hàng của quý I/2023 chỉ vào khoảng 1.000 đồng/đơn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Số lượt giao dịch quý I là 9 tỷ 81 triệu lượt là không chính xác, vì vậy nếu dùng tổng giá trị của quý 1 là 11.478 tỷ đồng chia cho số lượt giao dịch ở trên để cho giá trị bình quân một đơn hàng là không đúng.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP thì chỉ các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tiếp thì mới phải cung cấp thông tin doanh thu. Còn các sàn không có chức năng đặt hàng trực tiếp thì không phải cung cấp doanh thu.
"Do vậy, khi ai đó sử dụng giá trị giao dịch trên sàn để chia cho tổng số lượt giao dịch của tất cả các sàn thì hoàn toàn là không phù hợp, vì như vậy là đang chia cho cả những sàn mà họ không cung cấp doanh thu cho cơ quan thuế. Nếu muốn chia bình quân giao dịch thì chỉ chia cho các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến thôi", bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết.
Vân Anh(T/h)