Tại thời điểm kiểm tra, tài xế xe bồn không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ liên quan đến hơn 12.000 lít xăng.
TTXVN dẫn nguồn thông tin từ ông Nguyễn Vũ Bi, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Chống buôn lậu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định, cho biết tối 13/6, lực lượng quản lý thị trường bất ngờ tiến hành kiểm tra xe ô tô bồn biển kiểm soát 79C-00382 đang bơm xăng bán cho một cây xăng ở thị trấn Tuy Phước.
Xe ô tô chuyên dụng vận chuyển xăng dầu đã bị tạm giữ cùng tang vật - Ảnh: Công an nhân dân |
Qua kiểm tra, trong téc của xe bồn còn chứa 9.000 lít xăng, đồng thời đã bơm vào bồn của cây xăng hơn 3.000 lít. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Lê Văn Ánh, trú tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ liên quan đến hơn 12.000 lít xăng này.
Báo Tri thức trực tuyến thông tin thêm, bước đầu, Ánh khai nhận đã thu mua xăng A92 từ một người tên Hà (không rõ địa chỉ) ở cảng Cái Mép (TP Vũng Tàu), sau đó vận chuyển ra các tỉnh miền Trung bán cho các cửa hàng xăng dầu.
Theo báo Bình Định, trước đó, vào tháng 5.2016, tại khu vực ngã ba Long Vân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu cũng đã phát hiện tài xế Nguyễn Văn Phúc (trú xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển xe bồn mang BKS 79C - 056.92 vận chuyển 13.000 lít xăng nhưng không có hóa đơn, chứng từ.
Điều 153. Tội buôn lậu (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này; b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn; e) Thu lợi bất chính lớn; g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác; h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; k) Phạm tội nhiều lần; l) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn; c) Thu lợi bất chính rất lớn; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)