Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Trong khi đó Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức phổ biến là tình trạng mất cân bằng và thiếu nguồn nhân lực cho ngành y tế. Vậy đâu là giải pháp cho thực trạng này?
Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế tại Việt Nam
Quá trình phát triển nguồn nhân lực y tế những năm qua cho thấy những nỗ lực trong công tác đào tạo của ngành. Tuy nhiên trước sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực là không tránh khỏi. Hiện nay, nguồn nhân lực y tế không chỉ thiếu về lượng, yếu về chất mà còn phân bố không đồng đều giữa các vùng.
Về số lượng, theo thống kê chung về nhân lực của ngành y tế hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ là trên 55 nghìn người, tương ứng với tỷ lệ 7,2 bác sĩ/ 1 vạn dân, còn số y tá và hộ lý là 105 nghìn người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Nhìn chung tỷ lệ này cũng được xếp vào nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillippines và tương đương với Indonesia.
Chất lượng ngành y tế hiện nay đã được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Số cán bộ y tế có trình độ cao, chuyên sâu còn chưa nhiều. Hiện nay số cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tới trên 1/2 tổng số cán bộ, trong khi số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 1/3 và số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên khoảng 10%.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn lực trầm trọng thể hiện rõ nhất tại các vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới và các địa phương. Sự khác biệt về thu nhập và điều kiện làm việc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phân bố cán bộ y tế không đồng đều này giữa các khu vực.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế hiện nay
Để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực trên những năm qua Đảng và nhà nước ta đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách đồng bộ. Một trong những biện pháp quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng y dược trên cả nước.
Cụ thể như, quy định đến năm 2021, tất cả các cơ sở y tế chỉ tuyển nhân lực ngành Y Dược có trình độ từ Cao đẳng trở lên. Đồng thời phát triển các cơ sở đào tạo, tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường y dược, mở thêm các mã ngành, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Đối với đại học, chú trọng phát triển các trường trọng điểm Quốc gia như: Đại học Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên), Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ...
Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo các trường Cao đẳng Y Dược như: Cao đẳng Y tế Hà Nội, Cao đẳng Y tế Hải Phòng, Cao đẳng Y tế Ninh Bình, Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, Cao đẳng Dược Trung ương và Cao đẳng Y dược Phạm Ngọc Thạch, ...
Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong đầu tư ngân sách nhằm nâng cấp toàn bộ cơ sở đào tạo y dược một cách kịp thời, bền vững, nhằm từng bước giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, tăng khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân và hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2020 như Đảng và nhà nước đã đề ra.
Nguồn: Caodangykhoatphcm.edu.vn