Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, sức ép đưa Đà Nẵng trở thành TP công nghiệp, hiện đại vào năm 2020 đã làm nảy sinh cơ chế đặc thù, còn bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") tiếp tục kêu oan.
Theo tin từ VOV, sau 7 ngày mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng cùng các bị cáo khác trong vụ án thâu tóm “đất vàng” ở Đà Nẵng, trưa 10/5, HĐXX đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.
Là người đầu tiên được HĐXX cho nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch Trần Văn Minh cho biết, qua bảy ngày làm việc HĐXX đã tạo điều kiện cho ông và các bị cáo khác trình bày với những chứng cứ mới.
Theo đó, bị cáo Minh cho biết, bản thân bị cáo cảm ơn HĐXX tạo điều kiện để đối đáp chính xác, qua đó VKS có nhiều ý kiến và bị cáo nghĩ rằng đó là những điều đã được chấp thuận và đã bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét trong truy tố, xét xử.
Cựu Chủ tịch Trần Văn Minh khẳng định, mình không vi phạm vào hai tội danh như cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó, bị cáo Minh nói: “Bị cáo có niềm tin được HĐXX xem xét thấu đáo, đúng sự thật”. Bị cáo mong HĐXX quan tâm tới Quyết định 140/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đây là “phao cứu sinh” của bị cáo, của các bị cáo ngồi đây.
Bị cáo Minh nói: “Hầu hết các bị cáo đều tuổi lớn, và đều có bệnh, nhưng vì sinh mệnh nên phải đứng đây nói lời sau cùng. Bị cáo đề nghị tuyên mình vô tội và mong muốn tòa xem xét lại với các bị cáo với tư cách làm vì là cơ quan tham mưu, vì trách nhiệm chung của thành phố”.
Các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ nói lời sau cùng. Ảnh: Thanh niên |
Cũng trong phần nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến cho biết, những điều bị cáo trình bày suốt mấy ngày qua đề nghị VKS ghi nhận, HĐXX xem xét. Đặc biệt phải xem xét trong bối cảnh thành phố như thế nào, bởi sức ép đưa thành phố trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020, bị cáo và các bị cáo khác vì mục tiêu chung của thành phố. Do đó, bị cáo Chiến đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ, điều tra lại.
Trong khi đó, bị cáo Phan Văn Anh Vũ tiếp tục kêu oan, bác bỏ bản án 25 năm tù của tòa sơ thẩm.
Bị cáo cho rằng bản thân là người đi mua, không quyết định được chủ trương chuyển đổi hay giá cả. Nếu sai thì người bán phải chịu trách nhiệm chứ không thể quy cho người mua. Bị cáo này cũng khẳng định không câu kết với cán bộ nào của Đà Nẵng nên không thể là đồng phạm với các bị cáo khác trong vụ án.
“Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo không xin gì của HĐXX mà chỉ đề nghị tuyên thật nặng bị cáo nếu chứng minh được bị cáo phạm tội, ngược lại không chứng minh được thì trả tự do cho bị cáo”, bị cáo Vũ nói trước tòa.
Hầu hết các bị cáo còn lại trong vụ án đều đề nghị HĐXX xem xét giảm án hoặc miễn trách nhiệm hình sự.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án trước đó, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Văn Minh và Phan Văn Anh Vũ.
Theo cơ quan công tố, có căn cứ xác định bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Phan Văn Anh Vũ có sự thống nhất về hành vi trái pháp luật.
Cụ thể, doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ không thuộc diện được mua nhà, đất công sản nhưng bị cáo này đã lợi dụng các mối quan hệ với bị cáo Minh, nhờ các công ty nhà nước đứng tên giúp. Sau khi thâu tóm, bằng nhiều cách, bị cáo Vũ đã chuyển nhượng trái pháp luật các tài sản này sang tên mình.
Hành vi của bị cáo Vũ được sự tiếp tay của lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong thời gian dài… Việc nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác tại 22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất dẫn đến nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên đối với nhóm bị cáo còn lại, Viện KSND cấp cao cho rằng có tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho các bị cáo từ 6 - 12 tháng tù.
Theo dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào 14h ngày 12/5.
Vũ Đậu(T/h)