Trung Quốc là nơi nguy hiểm thứ nhì nếu lái xe, Ấn Độ là quốc gia an toàn kém nhất về đường bộ và đường sắt, còn nguy cơ xảy ra tai nạn máy bay thì Mỹ đứng đầu bảng.
Mọi du khách đều cho rằng đi bằng máy bay sẽ an toàn hơn di chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, niềm tin tưởng này đã bị rung chuyển bởi những tai nạn hàng không lớn như vụ của Lion Air và Hãng hàng không Boeing 737 Max xảy ra hồi 5 tháng trước.
Năm 2018, theo thống kê của Mạng lưới An toàn Hàng không, đã có 556 người chết vì tai nạn máy bay, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng có khoảng 1,35 triệu người chết mỗi năm trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Một cuộc khảo sát về các tuyến đường nguy hiểm nhất trên thế giới do công ty hàng đầu Move International thực hiện cho thấy trước khi lên đường, du khách nên cập dữ liệu về số người chết vì tai nạn tàu hỏa, máy bay và ô tô tại mỗi nước để biết đường phòng tránh.
Các nhà điều tra đang kiểm tra phần còn lại của hai chiếc máy bay Boeing 747 sau khi chúng va chạm vào nhau trên đường băng tại Santa Cruz, Tenerife, Tây Ban Nha vào năm 1977 - Vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không khiến 583 người chết. Ảnh: EFE |
Tai nạn máy bay khó lường
Số người chết trong các vụ tai nạn máy bay đã tăng mạnh vào năm ngoái, nhưng không có lý do gì để các phi công thường xuyên hoảng sợ. Dù con số 15 vụ tai nạn máy bay chết người là con số cao hơn mức trung bình 5 năm trở lại đây, nhưng trong lịch sử hàng không thương mại, 2018 vẫn là năm khá an toàn với 38 triệu chuyến bay có tỷ lệ tai nạn thấp, 1 người chết/2,5 triệu lượt bay.
Một chiếc Boeing 777 của Asiana Airlines bị tàn phá sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế San Francisco ở California năm 2013. Ảnh: Getty |
Dưới đây là 5 quốc gia nguy hiểm nhất cho du lịch hàng không (dựa trên các vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất kể từ năm 1968)
1. Hoa Kỳ (10 vụ tai nạn và 4.200 người chết)
2. Tây Ban Nha (7 vụ và 1.367 người chết)
3. Nhật Bản (3 vụ và 946 người chết)
4. Indonesia (5 vụ và 873 người chết)
5. Nigeria (5 vụ và 787 người chết)
Chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines đã bị bắn hạ tại không phận miền đông Ukraine vào tháng 7/2014, bốn tháng sau khi chiếc boeing MH370 bị mất tích. Ảnh: EPA-EFE |
5 hãng hàng không dễ xảy ra tai nạn nhất thế giới là:
1. American Airlines (5 tai nạn và 2.578 người chết)
2. Aeroflot (4 tai nạn và 718 người chết)
3. China Airlines (3 tai nạn và 692 người chết)
4. Pan Am (3 tai nạn và 758 người chết)
5. Malaysia Airlines (2 tai nạn và 537 người chết)
Mặc dù China Airlines có tên trong danh sách, nhưng hãng này đã không có tai nạn chết người nào kể từ năm 2002, sau khi một chiếc Boeing 747-200 rơi xuống biển trên đường đến Hồng Kông từ Đài Bắc, khiến toàn bộ 225 người trên máy bay tử nạn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra là những năm 2000 là thập kỷ nguy hiểm nhất đối với du lịch hàng không, với 8.324 trường hợp tử vong được ghi nhận trong 33 vụ tai nạn, điều này được ghi nhận trong bối cảnh các tuyến đường hàng không tăng trưởng ồ ạt những năm gần đây.
Một đoàn tàu tốc hành bị trật bánh ở quận Yilan, Đài Loan, vào năm 2018, khiến 18 người thiệt mạng. Ảnh: Kyodo |
Tàu hỏa cũng không đáng tin
Vậy liệu đi bằng tàu hỏa có an toàn hơn máy bay không? Theo số liệu thì đúng vậy. Phần lớn số người tử vong do tai nạn đường sắt trong năm 2018, theo báo cáo của WHO, có liên quan tới việc bị tàu đâm chứ không phải là hành khách ngồi trên tàu.
Vào tháng 10/2018, một đoàn tàu siêu tốc đã lao qua đám đông lễ hội ở Amritsar, Ấn Độ, giết chết 59 người. Cục Đường sắt Ấn Độ báo cáo rằng có 49.790 người đã mất mạng từ năm 2015 đến 2017 trên đường ray do bị tàu hỏa đâm.
Hậu quả của vụ tai nạn tàu tốc hành bị trật bánh gần thị trấn Khatauli ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, vào ngày 20/8/20107, làm 23 người thiệt mạng. Ảnh: Getty
5 hệ thống đường sắt quốc gia nguy hiểm nhất trong năm 2018:
1. Ấn Độ (2 vụ tai nạn, 59 người chết)
2. Thổ Nhĩ Kỳ (2 vụ tai nạn và 33 người chết)
3. Nam Phi (3 vụ tai nạn và 20 người chết)
4. Đài Loan (1 vụ tai nạn và 18 người chết)
5. Ai Cập (1 vụ tai nạn và 15 người chết)
Dù Ấn Độ đứng đầu về quốc gia có số hành khách chết nhiều nhất do tai nạn đường sắt thì việc đi tàu ở đây vẫn được coi là an toàn gần như tuyệt đối. Bởi con số đó là dựa trên số liệu vận chuyển 8,1 tỷ hành khách mỗi năm, lớn gấp rất nhiều lần so các quốc gia khác.
Một chiếc xe buýt mất lái lao xuống vực sâu ở Himachal Pradesh, Ấn Độ vào năm 2017 khiến ít nhất 44 người chết. Ảnh: Getty |
Đường bộ rủi ro cao nhất
Theo báo cáo Tình trạng Toàn cầu của WHO năm 2018, với tình trạng các phương tiện giao thông đa dạng, phức tạp và luôn chen lấn trên đường, bất kì ai đã từng tới Ấn Độ đều không ngạc nhiên khi quốc gia này đứng đầu về số vụ tai nạn đường bộ cùng số người chết. Đất nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai.
Vậy đâu là nước an toàn nhất để lái xe? Đó là những hòn đảo có ít đường bộ và hầu như cũng không có tài xế, chủ yếu nằm ở vùng Caribbean và Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên đứng đầu danh sách an toàn, chưa từng có tai nạn đường bộ lại là là tiểu bang San Marino, có dân số 33.400 người, ở phía bắc miền trung Italy.
Một chiếc xe tải hạng nặng đã đâm vào 2 xe buýt nhỏ trên quốc lộ G30 ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, khiến 8 người thiệt mạng. Ảnh: Tân Hoa Xã |
5 địa điểm nguy hiểm nhất cho lái xe năm 2018
1. Ấn Độ (150.785 người chết)
2. Trung Quốc (58.022 người chết)
3. Brazil (38.651 người chết)
4. Hoa Kỳ (35.092 người chết)
5. Indonesia (31.282 người chết)
Minh Khôi(Theo SCMP)