Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có có văn bản số 976/UBND-KGVX về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý với tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 4/4. Cụ thể, theo tờ trình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cho học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại từ ngày 6/4. Học sinh mầm non nghỉ tại nhà.
Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm này khi được hỏi, nhiều phụ huynh cùng chung nguyện vọng là “mong cho các con sớm được đến trường vì sợ con ở nhà sẽ bị trầm cảm.
Chị Lê Thị Vân Anh (32 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian gần đây liên tiếp 2 trường hợp các cháu học sinh lớp hai rơi từ chung cư xuống tử vong khiến vợ chồng mình vô cùng hoang mang. Có lẽ do việc ở nhà suốt một thời gian dài khiến các con gò bó, áp lực, sinh ra trầm cảm. Các con bị “nhốt” trong một không gian hẹp quá lâu, không có chỗ chơi khiến các con cuồng chân. Hoặc nếu ngồi yên một chỗ thì các con lại dán mắt vào điện thoại, ti vi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực. Trong khi vợ chồng mình vẫn phải đi làm nên việc trông nom, dạy dỗ các con học thực sự là vấn đề khiến vợ chồng mình đau đầu”.
Mặc dù còn hơn một tháng nữa là các cháu học sinh được nghỉ hè, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, song thông tin các con được tới trường khiến nhiều phụ huynh lớp 2A2 trường Tiểu học Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) vui mừng.
“Còn hơn tháng nữa là nghỉ hè, nhưng cho con đi học cho vui, giờ ở nhà chán quá rồi”, phụ huynh Hồ Thị Lài Phương chia sẻ.
Một phụ huynh khác nói: “Mình thấy học online không ổn, các con vẫn còn quá nhỏ, chưa ý thức được việc học. Bố mẹ đi làm suốt không kèm được”.
Chị Đặng Thị Thu Phương – Hội trưởng Hội phụ huynh lớp 2A2, trường Tiểu học Thương Thanh cho biết: Để chuẩn bị đón các con tới trường vào ngày mai, Hội phụ huynh đã bố trí, sắp xếp mọi người cùng nhau dọn dẹp, xịt khuẩn, vệ sinh lớp học cho con con.
“Để đảm bảo môi trường học tập an toàn cho các con trong thời gian dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, Hội phụ huynh đã mua nước khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang, thùng rác, túi bóng đựng rác…và đặc biệt là vệ sinh cốc uống nước, khăn mặt, chỗ ngồi học cho các con”, chị Thu Phương cho hay.
Chuyên gia tâm lý giáo dục, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Ngoài hoạt động chủ đạo là học tập, học sinh cũng cần giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài môi trường xã hội.
Việc bị đứt gãy các hoạt động này khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi. Các em cũng phải chịu thêm áp lực học hành khi học trực tuyến không hiệu quả bằng trực tiếp nhưng vẫn phải hoàn thành các loại bài tập, việc tiếp xúc nhiều với máy tính dễ gây mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều trẻ còn bị áp lực từ cha mẹ khi bị giám sát suốt cả ngày. Quan điểm của Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà cho rằng, cần phải có lộ trình để đưa 100% trẻ tới trường.
P.V