(ĐSPL) - Nhiều bà mẹ đã chăm sóc rất kỹ mà con vẫn chậm lớn. Họ không biết rằng nhiều nguyên nhân của việc đó xuất phát từ thói quen của mình.
Tại phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, thầy thuốc ưu tú, Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng viện 198) hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều trẻ thiếu cân nặng dù được bố mẹ chăm sóc kĩ lưỡng. Bà cho biết: “Có nhiều trường hợp đến mô tả về quá trình chăm sóc con, bác sĩ phân tích, chỉ ra cái sai, các mẹ mới ớ người ra vì không nghĩ đó chính là thói quen khiến con mình chậm lớn”.
Bác sĩ Vi đã đúc kết được những sai lầm mà nhiều mẹ hay mắc. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến:
Không dùng mỡ động vật
Bác sĩ Vi cho hay, mỡ động vật rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Chúng có tác dụng cung cấp lipit để cấu tạo nên các bộ phận trong cơ thể và cung cấp cholesterol. Trong khi dầu thực vật chỉ có tác dụng cung cấp các axit béo không no (omega 3 và omega 6).
Nhiều trẻ chậm lớn không ngờ là do chính những thói quen hàng ngày của các mẹ. |
|
Tuy nhiên, nhiều mẹ hiện nay đã dùng dầu thực vật thay thế hoàn toàn mỡ trong các món ăn cho trẻ. Nhiều trẻ không tăng cân xuất phát một phần không nhỏ do thói quen này của mẹ.
Theo bác sĩ Vi, mẹ nên đồng thời dùng cả dầu thực vật và mỡ động vật với tỉ lệ tương đương cho trẻ, đặc biệt trong giai đoạn trẻ ăn dặm. Trong đó, mỡ gà rất tốt cho trẻ.
Với người lớn, bác sĩ Vi khuyến cáo những người có sức khỏe bình thường không nên kiêng mỡ động vật. Nhiều người có tâm lý sợ cholesterol song thực chất chúng chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong mỡ động vật trong khi cholesterol chỉ gây hại cho sức khoẻ khi nó có quá nhiều trong cơ thể.
Ngoại trừ bệnh nhân xơ vữa động mạch, tim mạch nên ăn hoàn toàn dầu thực vật, chị em nội trợ nên cân đối giữa chất béo động vật với chất béo thực vật trong bữa ăn hàng ngày.
Lạm dụng hạt nêm
Lời quảng cáo từ các nhãn hàng hạt nêm về độ tinh chất 100\% từ nước xương hầm cộng với vị ngọt giúp kích thích vị giác đã khiến nhiều mẹ lạm dụng hạt nêm trong nấu ăn cho trẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, bản chất của hạt nêm và mì chính là chất điều vị, không có bất cứ giá trị nào về dinh dưỡng. Do đó, nhiều trẻ dù được ăn các món ăn được nấu với hạt nêm hàng ngày nhưng vẫn bị sụt cân, suy dinh dưỡng.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, các mẹ cần cung cấp dinh dưỡng cho trẻ từ các thực phẩm tự nhiên, với trẻ nhỏ, tốt nhất không nên dùng hạt nêm.
Dùng nhiều nước mắm
Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều lần. Vì vậy, khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, mẹ cần nêm nhạt hơn so với khẩu vị của mình một chút. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều muối rất không tốt cho sức khỏe của bé. Theo bác sĩ Vi, các mẹ nên hạn chế cho trẻ dưới một tuổi ăn nước mắm nguyên chất bởi độ mặn của chúng có thể gây hại cho thận đang còn non nớt của trẻ.
Ăn mãi một món
Nhiều mẹ nấu nguyên một nồi cháo và cho trẻ ăn cả ngày. Theo vị chuyên gia dinh dưỡng, sai lầm này của người lớn gây nên tâm lý chán ăn cho trẻ. Ngoài ra cũng không nên lặp đi lặp lại một loại thực phẩm nào đó mà bé thích, vì như thế trẻ sẽ không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Theo tư vấn của bác sĩ Vi, các mẹ có thể nấu một nồi cháo trắng để cho trẻ ăn cả ngày. Nhưng mỗi một bữa, mẹ nên chế thành các món cháo khác nhau với các thực phẩm khác nhau để bé không bị ngán đồng thời hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.
Cho bú sai cách
Bác sĩ Vi khuyến cáo, tuyệt đối không cho trẻ bú khi nằm bởi đây là một tư thế không tiết ra sữa cho con. Tư thế chuẩn nhất là cho trẻ bú khi ngồi, cho trẻ ngậm sâu hết phần thâm của đầu vú. Nhiều mẹ nằm cho trẻ bú cả đêm song thực chất cả đêm con không được giọt sữa nào, hoặc cho trẻ bú không đúng cách cũng không có sữa. Từ đó khiến trẻ vừa thiếu dưỡng chất từ sữa mẹ vừa không kích thích việc tiết sữa từ mẹ.
Xem thêm video: Hậu trường chụp ảnh trẻ em cực kỳ dễ thương
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-mi-nhung-thoi-quen-cua-ba-me-khien-tre-cham-lon-a90590.html