Nhận biết trẻ hướng nội qua các dấu hiệu nào?
Trẻ hướng nội thường thích sống trong thế giới riêng của mình, không muốn chia sẻ quá nhiều thứ về bản thân với mọi người xung quanh. Trong thời gian rảnh, thay vì kết giao với bạn bè, trẻ hướng nội lại thích đọc sách, vẽ tranh, chơi trò chơi điện tử hơn.
Xu hướng quan sát trước, hành động sau là điều thường thấy ở những đứa trẻ hướng nội. Khi được bố mẹ khuyến khích vui chơi, trẻ tỏ ra thận trọng, do dự hoặc hành động chậm chạp. Tuy nhiên, khi quen dần với các trò chơi, trẻ sẽ nhiệt tình và năng nổ tham gia.
Trẻ hướng nội thường thích thú và đặt nhiều câu hỏi khi nói về thế giới xung quanh vì muốn nắm rõ sự vận hành, quy luật của thế giới theo cách chi tiết, mà không phải theo nguồn thông tin hời hợt. Nguyên nhân dẫn đến hành động này là bởi trẻ thích tìm hiểu sâu về bản thân, muốn xây dựng giá trị quan vững chắc.
Suy nghĩ và nhận nhận thức cá nhân tồn tại rất mạnh mẽ trong tâm trí của những trẻ hướng nội. Vì thế, trẻ thường đưa ra quyết định dựa trên quan điểm riêng, thay vì đi theo đám đông.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tâm lý, đây là khía cạnh tích cực ở trẻ hướng nội, giúp loại bỏ áp lực so sánh bản thân với người xung quanh. Đặc biệt, trẻ hướng nội thường biết mình muốn gì hoặc cần gì, luôn đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân.
Tuy nhiên, trẻ hướng nội hay gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người, luôn thu mình vào một góc nên sẽ cảm thấy áp lực và không muốn thực hiện khi tham gia các hoạt động nhóm.
Cha mẹ cần quan tâm đến những hoạt động tập thể của trẻ để khuyến khích hoặc đưa ra lời khuyên kịp thời giúp các con vượt qua khó khăn và hòa nhập với mọi người xung quanh.
Những bí quyết giúp bạn nuôi dạy trẻ hướng nội
Thấu hiểu về tình cách hướng nội
Hướng nội không phải là phản ứng trước những ảnh hưởng bên ngoài, mà là một đặc điểm tính cách.
Cha mẹ nên tìm hiểu một số đặc điểm chung của người hướng nội để thấy rằng những gì con thể hiện là khá bình thường và không có gì phải lo lắng.
Việc hiểu rõ về người hướng nội sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nuôi dạy một đứa trẻ hướng nội.
Tôn trọng sở thích của trẻ
Trẻ hướng nội thường thích ở một mình, không muốn bị người khác làm phiền. Cha mẹ nên hiểu và tôn trọng sở thích này, dành cho con một chút thời gian yên tĩnh cùng sự riêng tư để nạp lại năng lượng.
Giải thích cho con hiểu không có gì sai khi hướng nội
Trẻ hướng nội dễ cảm thấy tự ti về chính mình khi nghe được những lời nhận xét như nhút nhát, chậm chạp, rụt rè… Cha mẹ nên cố gắng giải thích cho con hiểu rằng không có gì sai khi trẻ mang tính cách hướng nội.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng con luôn hoàn hảo theo cách riêng, không cần bận tâm quá nhiều tới những lời đánh giá bên ngoài.
Hướng dẫn con bộc lộ cảm xúc
Trẻ hướng nội thường cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc của chính mình. Trong trường hợp này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ trực tiếp cảm xúc bản thân bằng nhiều hoạt động khác nhau như viết nhật ký, vẽ tranh…
Trong học tập, làm việc nhóm là điều không thể tránh khỏi. Phần việc này có thể gây trở ngại cho những đứa trẻ hướng nội. Để giúp con, cha mẹ nên cố gắng giải thích cho giáo viên hiểu lý do tại sao con mình không thích các hoạt động nhóm như những đứa trẻ khác.
Để lời giải thích thuyết phục hơn, cha mẹ có thể cần phải làm một bài kiểm tra tính cách cho con. Bằng cách này, giáo viên nắm được một số đặc điểm tính cách cơ bản của trẻ, bao gồm cả tính hướng nội, hiểu rõ hơn về hành vi của trẻ và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với trẻ.
Không ép con kết bạn, trò chuyện với người khác
Thấy con chỉ có 1 - 2 người bạn trong khi những đứa trẻ khác nhiều bạn, cha mẹ có thể bắt đầu lo lắng rằng con mình đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.
Cha mẹ cho rằng nên khuyến khích con kết bạn nhiều hơn, vì thế có thể làm một số việc như sắp xếp nhiều buổi vui chơi và mời nhiều trẻ đến cùng một lúc.
Trên thực tế, trẻ hướng nội luôn thể hiện sự khó chịu khi ở gần những người mà mình chưa từng gặp gỡ hoặc không thân. Việc buộc con dành nhiều thời gian hơn mong muốn với những đứa trẻ khác, cố gắng thúc đẩy con có nhiều mối quan hệ hơn sẽ không khiến trẻ cởi mở hơn.
Trái lại, việc đó sẽ khiến trẻ tiêu hao nhiều năng lượng hơn, trở nên cáu kỉnh hơn. Tốt nhất, cha mẹ nên để con quyết định xem muốn kết bạn với ai và mất bao nhiêu thời gian để làm điều này.
Cha mẹ đừng cố ép con mình phải trò chuyện với những người chưa từng gặp và hãy cho trẻ một chút thời gian để hòa nhập với mọi người xung quanh.
Dạy con các kỹ năng sống
Cha mẹ nên dạy cho trẻ hướng nội các kỹ năng sống, nhờ đó trẻ biết cách tự đấu tranh cho bản thân và những người khác. Việc này đặc biệt quan trọng nếu như trẻ là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường, bị trêu ghẹo hay chịu áp lực từ bạn bè và nhiều hành vi tiêu cực khác.