Tự lựa chọn quần áo
Cha mẹ và các con có thể xảy ra tranh cãi khi cùng nhau đi mua quần áo, không phải vì giá cả mà do những trang phục con thích lại không hợp ý cha mẹ. Trong trường hợp đó, cha mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh.
Tốt nhất cha mẹ nên để con tự lựa chọn quần áo theo sở thích của trẻ. Việc này sẽ giúp trẻ định hình được “cái tôi” cá nhân của mình. Trẻ cũng sẽ hào hứng diện các trang phục đó thay vì cáu kính giấu chúng vào sâu trong tủ vì thấy chán ghét.
Ăn đồ ăn vặt
Khi bị cha mẹ cấm ăn, đồ ăn vặt sẽ trở thành điều cấm kị trong tâm trí trẻ và các bé sẽ ăn ngay khi có cơ hội. Đa số những đứa trẻ đều rất thích đồ ăn vặt, luôn muốn được có loại đồ ăn này.
Theo các chuyên gia, cha mẹ nên thỉnh thoảng mua đồ ăn vặt cho con để các bé hiểu rằng mình đang có một món ăn vặt ở nhà và không cần thiết phải ăn trong tâm thế giấu diếm.
Chơi trò chơi điện tử
Nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học trên thế giới cho thấy trò chơi điện tử có ích đối với não bộ của trẻ hơn so với xem TV. Các hành động trong trò chơi sẽ thúc đẩy não của trẻ phản ứng nhanh, đồng thời rèn luyện khả năng đọc thông tin.
Việc đó sẽ có ích cho trẻ khi các bé lớn lên và sống trong một môi trường công nghệ tiên tiến, thậm chí còn phát triển hơn môi trường hiện nay.
Giữ bí mật cá nhân
Trẻ càng lớn thì càng cần có quyền riêng tư và những bí mật của riêng mình. Cha mẹ có thể quan tâm, lo lắng cho cuộc sống của con nhưng không nên tự ý xâm phạm vào quyền riêng tư của trẻ.
Những đứa trẻ hiểu chuyện, có nhận thức riêng rất đề cao sự riêng tư của bản thân. Việc cha mẹ xem nhật ký, tin nhắn điện thoại của trẻ có thể đánh mất sự tin tưởng của con.
Tốt nhất, cha mẹ nên trò chuyện, tâm sự và luôn tạo niềm tin cho con. Khi đến thời điểm thích hợp, các con sẽ chủ động nói ra những bí mật của mình để tìm kiếm những lời khuyên hữu ích từ cha mẹ.
Không vâng lời cha mẹ
Một đứa trẻ tự động tuân theo, làm mọi việc được yêu cầu khi lớn lên sẽ trở thành một người lớn ngoan ngoãn, không biết bảo vệ bản thân hoặc lợi ích của chính bản thân mình.
Nuôi dạy những đứa trẻ ngỗ nghịch không phải chuyện dễ dàng đối với các cha mẹ. Tuy nhiên, những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ luôn tràn đầy sự tự tin, sẵn sàng hành động thay vì sợ hãi nói “con không thể làm điều đó”.
Mắc những sai lầm
Nếu liên tục bị cha mẹ mắng vì những sai lầm của mình, trẻ sẽ không còn muốn làm việc gì nữa. Thay vì la mắng, khiển trách, cha mẹ nên giúp con tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn con để tránh mắc lại sai lầm đó.
Theo thông tin trên tạp chí Simply Family, bằng cách học hỏi từ sai lầm, trẻ có thể đối mặt và trưởng thành từ những thất bại. Khi nhận ra bản thân đã sai ở đâu, trẻ sẽ không cảm thấy tức giận hoặc có hành vi sai trái.
Việc đối mặt với thất bại khiến trẻ ít có cảm giác lo lắng, về lâu dài còn có thể phát hiện được điểm mạnh và yếu của bản thân để trang bị kiến thức tốt hơn khi giải quyết vấn đề. Điều này giúp trẻ tự chủ và độc lập hơn, biết tự giải quyết vấn đề thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Nói không với những thứ mình không thích
Cha mẹ không nên ép buộc con nói có hoặc đồng ý với những việc mà trẻ không thích. Hành động này đồng nghĩa với việc cha mẹ đã vi phạm quyền riêng tư của trẻ.
Đứa trẻ biết từ chối, nói “không” với những điều mình không thích đã suy nghĩ độc lập, có khả năng tự quyết định một số vấn đề của mình. Cha mẹ nên đặt mình vào suy nghĩ và tình huống của trẻ để hiểu con hơn.
Khóc lóc
Không ít cha mẹ dọa nạt, sử dụng đòn roi khi thấy con khóc không ngừng. Trên thực tế, trẻ nhỏ cảm nhận thế giới theo cách khác biệt so với người lớn, thấy mọi thứ sinh động và nhạy cảm hơn nhiều.
Cha mẹ đừng nên cấm con khóc và trách mắng khiến con xấu hổ khi khóc. Thay vào đó, cha mẹ nên an ủi, tìm hiểu vì sao con khóc và giúp con tìm ra cách xử lý phù hợp.
Thể hiện sự tức giận
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), tương tự như người lớn, trẻ cũng có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tị với bạn bè. Giận dữ là cảm xúc bình thường, thậm chí hữu ích, thể hiện phản ứng của trẻ khi thấy điều gì đó không đúng hoặc công bằng.
Trẻ nhỏ chưa đủ khả năng để kiểm soát bản thân nên các bé sẽ không ngừng bày tỏ cảm xúc của mình khi bộc phát. Việc bị bố mẹ cấm đoán, la mắng sẽ chỉ khiến trẻ thấy ấm ức và khó chịu hơn.
Tốt nhất, cha mẹ nên bình tĩnh nói chuyện với con, tìm hiểu vấn đề con gặp phải và cùng con giải quyết.
Không ngừng đặt câu hỏi
Việc trẻ thích khám phá, đặt câu hỏi về thế giới tự nhiên là điều đáng khích lệ. Thế nhưng, cha mẹ thường cảm thấy khó có thể trả lời tất cả câu hỏi của trẻ. Chưa kể, việc trẻ liên tục hỏi, nhất là vào lúc cha mẹ đang mệt mỏi, có thể khiến họ cáu giận.
Trên thực tế, việc kiên nhẫn trả lời những câu hỏi từ trẻ không chỉ thúc đẩy não bộ đang phát triển của con mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ phát huy khả năng tư duy như thế nào cũng phụ thuộc vào cách cha mẹ trả lời có thể làm con hài lòng và tạo động lực cho con đặt nhiều câu hỏi hơn hay không.
Theo nghiên cứu của Đại học bang California, Fullerton (Mỹ), những đứa trẻ càng có động lực học sớm thì càng có nhiều khả năng thành công về sau.
Nghiên cứu chỉ ra rằng không phụ thuộc vào IQ, những đứa trẻ đặc biệt tò mò, thích khám phá sẽ học tập tốt, đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Làm quần áo bị rách, vấy bẩn
Khám phá môi trường sống xung quanh là một cách hay để trẻ biết thêm về thế giới bên ngoài. Trong quá trình đó, trẻ có thể vô tình khiến quần áo bị rách hay lấm bẩn.
Trong trường hợp này, cha mẹ đừng nóng giận quát mắng trẻ. Hãy khuyến khích con tiếp tục tìm hiểu về cuộc sống xung quanh, đồng thời tìm cách loại bỏ vết bẩn, sửa chỗ bị rách trên quần áo trẻ.
Cha mẹ có thể chia tủ quần áo của trẻ thành hai phần, gồm quần áo để đi dạo, đi chơi và trang phục dành cho những sự kiện trang trọng hơn.
Tiêu tiền vào những thứ vô bổ
Một cuộc khảo sát cho thấy trẻ em hiện đại thường tiêu tiêu tiền cá nhân vào việc đi chơi với bạn bè, mua thiết bị kỹ thuật số hoặc đồ chơi, đồ ăn... Nhiều cha mẹ cho rằng con đang chi tiền vào những thứ vô bổ, cố gắng hạn chế việc này bằng cách cấm đoán trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng một khi họ cho con tiền thì số tiền đó đã trở thành tài sản cá nhân của trẻ, chỉ có trẻ mới có thể quyết định sử dụng vào mục đích gì.
Hơn nữa, việc trẻ tiêu tiền vào những thứ không cần thiết, sau đó lại cảm thấy hối hận vì điều đó sẽ giúp trẻ học được cách kiểm soát chi tiêu, phân biệt được mong muốn trong thời điểm chớp nhoáng với nhu cầu và mong muốn thực sự quan trọng.
Đ.K(T/h)