Chỉ cần nắm vững kỹ năng khai thác Atlat Địa lý là các học sinh đã có thể hiểu và giải thích được các sự vật, hiện tượng mà không cần học thuộc một cách máy móc.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tác môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), tổ hợp Khoa học xã hội (các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Năm nay, tổ hợp Khoa học xã hội được khá nhiều thí sinh lựa chọn bởi các môn thi trong tổ hợp khá dễ ăn điểm, đặc biệt là môn Địa lý có phổ điểm khá cao trong các kỳ thi vừa qua. Để đạt điểm cao môn Địa lý, các thí sinh cần tận dụng tốt cuốn “tài liệu” duy nhất được mang vào phòng thi- Atlat Địa lý Việt Nam. Chỉ cần nắm vững kỹ năng khai thác Atlat Địa lý là các học sinh đã có thể hiểu và giải thích được các sự vật, hiện tượng mà không cần học thuộc một cách máy móc.
Học thuộc các ký hiệu, cấu trúc Atlat
Cấu trúc nội dung của Atlat cũng tương tự như sách giáo khoa Địa Lý bao gồm: Hành chính (vị trí địa lý và sự phân chia hành chính); Địa lý tự nhiên; Địa lý kinh tế - xã hội. Trong đó, các bạn học sinh cần đặc biệt chú ý đến trang số 3- trang đề cập đến toàn bộ hệ thống ký hiệu, chú giải chung cho cả Atlat.
Cụ thể, học sinh cần phải:
- Hiểu hệ thống ký, ước hiệu bản đồ.
- Nhận biết, chỉ và đọc được tên các đối tượng địa lý trên bản đồ.
- Xác định phương hướng, khoảng cách, vĩ độ, kinh độ, kích thước, hình thái và vị trí các đối tượng địa lý trên lãnh thổ.
- Mô tả đặc điểm đối tượng trên bản đồ.
- Xác định các mối liên hệ không gian trên bản đồ.
- Xác định các mối quan hệ tương hỗ và nhân quả thể hiện trên bản đồ.
- Mô tả tổng hợp một khu vực, một bộ phận lãnh thổ (vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai, thực vật, động vật, dân cư, kinh tế).
Đọc Atlat phải theo trình tự khoa học và logic
Trong Atlat cũng thể hiện một lượng kiến thức tổng quát khá lớn giúp giảm tải rất nhiều kiến thức trong sách giáo khoa cần ghi nhớ. Vì vậy, cần nắm được các nội dung kiến thức trong bài học với các mục cụ thể trong Atlat để từ đó rút ra được các thông tin cần thiết, đồng thời giúp khai thác mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý cần tìm hiểu: Phần kinh tế chung (Atlat trang 17 - thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế của nước ta, giai đoạn 1990 – 2007). Phần trên tương ứng với mục 1, Bài 20 “chuyển dịch cơ cấu kinh tế “, trang 82 SGK, nên không cần học thuộc số liệu trong SGK....
Lưu ý, các kỳ tuyển sinh bao giờ cũng có câu “dựa vào Atlat và kiến thức đã học hãy....” nên việc nắm vững phương pháp khai thác Atlat là hết sức quan trọng.
Đọc kỹ câu hỏi và sử dụng Atlat để trả lời
Các câu hỏi có liên quan đến phân bố sản xuất, chỉ rõ khu vực ngành, các trung tâm kinh tế, số liệu,….đều có trong Atlat nên các thí sinh không cần mất thời gian học thuộc trong sách mà vẫn trả lời đúng.
Tuy việc sử dụng Atlat không quá khó nhưng vẫn đòi hỏi các bạn học sinh phải có kiến thức cơ bản về Địa lý để khi nhìn vào cuốn "tài liệu" này không bị quá "ngộp" về hình ảnh, số liệu cũng như có thể sử lý được dữ kiện một cách nhanh chóng.
Nguyễn Phượng (T/h)