+Aa-
    Zalo

    Bí kíp học “nước rút” cho các sĩ tử khối C trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ôn toàn diện, sử dụng sơ đồ tư duy, tận dụng Atlat, theo dõi các sự kiện “nóng” trong xã hội,...Là một trong những phương pháp học hiệu quả cho các sĩ tử khối C.

    Ôn toàn diện, sử dụng sơ đồ tư duy, tận dụng Atlat, theo dõi các sự kiện “nóng” trong xã hội,...Là một trong những phương pháp học hiệu quả cho các sĩ tử khối C.

    Nhắc đến các học sinh khối C, người ta thường nghĩ đến những “chú vẹt” ngồi “tụng kinh” hết ngày này qua tháng khác để làm sao có thể thuộc được toàn bộ kiến thức trong 3 năm học mà không cần phải tư duy nhiều. Và nghiễm nhiên, khối C thường không được chú trọng như khối tự nhiên.

    Tuy nhiên, để học thuộc được bài cũng không hề đơn giản. Các thí sinh khối C không những chỉ cần chăm chỉ, siêng năng mà cần phải có tư duy logic và phải biết tự lập cho mình một phương pháp học hiệu quả nhất.

    Dưới đây là một số bí kíp học và thi dành cho các sĩ tử khối C trong giai đoạn “nước rút” của kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

    Ôn toàn diện kiến thức

    Để áp dụng được các bí kíp học tiếp theo thì việc đầu tiên mà các bạn thí sinh cần làm đó là ôn toàn diện, đầy đủ và chi tiết tất cả 3 môn học.

    Ở kỳ thi năm nay, ngoài lượng kiến thức lớp 12 thì đề thi còn bao quát cả nội dung của lớp 11. Riêng Văn học còn thêm cả phần so sánh (giữa hai đoạn trong một tác phẩm; giữa hai tác phẩm; giữa hai nhân vật; cốt chuyện; chi tiết nghệ thuật...). Như vậy, việc ôn thi sẽ nặng hơn rất nhiều.

    Do đó, nếu không muốn có lỗ hổng kiến thức khi bước vào tổng ôn và chọn lọc ở giai đoạn “nước rút” thì bạn bắt buộc phải học từ đầu.

    Sử dụng sơ đồ tư duy

    Nếu bạn nghĩ chỉ ban tự nhiên mới cần đến sơ đồ tư duy thì quả thực là vô cùng sai lầm. Thay vì học thuộc như một cái máy, bạn hãy tự tìm cho mình những câu chuyện lí thú trong bài học như một giai thoại lịch sử, liên hệ thực tế, ý nghĩa tác phẩm văn học. Và chú ý tách bạch giữa phần nội dung quan trọng nhất với phần ý phụ để ghi nhớ hiệu quả hơn.

    Sơ đồ tư duy sẽ giúp các thí sinh thuộc bài nhanh và nhớ lâu hơn. Ảnh minh họa

    Khi đã gạch ra được các ý chính, bạn hãy thử dành một chút thời gian để suy luận, tư duy logic rồi tiếp tục vẽ tiếp các nhánh phụ khác. Có thể bạn sẽ sai phạm ở lúc đầu và sơ đồ rơi vào tình trạng “quá tải” nhưng chỉ sau vài lần sửa chữa, bạn sẽ thấy việc lưu trữ bài học đơn giản hơn rất nhiều so với việc cặm cụi học thuộc cả một cuốn sách dày cộp.

    Tận dụng Atlat địa lý Việt Nam

    Thật không ngoa khi nói rằng “Atlat là cuốn từ điển của môn địa lý” khi bạn có thể dễ dàng tìm thấy hầu hết các câu trả lời từ cuốn sách đặc biệt này.

    Chẳng hạn, với các câu hỏi: “Cho biết tỉnh nào sau đây giáp với Trung Quốc?”, “Cho biết Sapa thuộc vùng khí hậu nào dưới đây” hay “Cho biết hệ thống sông nào sau đây có tỉ lệ diện tích lưu vực lớn nhất nước ta?”...Các bạn sĩ tử đều có thể khoanh vùng đáp áp chính xác bằng cách so sánh trên Atlat.

    Chưa kể, đối với dạng đề tự luận như trước đây, các thí sinh có thể tìm thấy vô vàn các ví dụ về giống cây, khu công nghiệp, tên các quốc gia,...bằng cách tận dụng “cuốn từ điển” này.

    Theo dõi các sự kiện nổi bật trong xã hội

    Phương pháp này thích hợp với môn Ngữ văn ở dạng câu nghị luận xã hội. Bởi thông thường, đề nghị luận xã hội sẽ theo sát các sự kiện, vấn đề nổi bật trong xã hội ở thời điểm hiện tại và trước đó.

    Chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc. Ảnh minh họa

    Chẳng hạn như chiến thắng lẫy lừng của đội tuyển U23 Việt Nam tại Trung Quốc, nữ học sinh tố cô giáo không giảng bài, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, thầy giáo dâm ô với 9 học sinh nữ. Hay mới đây nhất là vụ việc cô giáo tiếng anh chửi học viên là “óc lợn”, ca sĩ Phạm Anh Khoa bị tố có hành vi quấy rối tình dục với đồng nghiệp, nhóm trộm xe SH đâm thương vong 5 “hiệp sĩ”....

    Với những vấn đề “nóng” như thế này, bạn hoàn toàn có thể tận dụng đưa vào dẫn chứng trong bài viết của mình một cách thích hợp nhất để thêm hấp dẫn và thu hút người đọc. Đặc biệt, ở cuối bài viết, bạn đừng quên rút ra bài học cho bản thân nhé.

    Đọc thật nhiều sách

    Ngoài việc cần nắm vững lý thuyết, các kiểu câu, phương thức biểu đạt và kỹ năng phân tích để hoàn thành tốt phần đọc hiểu thì bạn nên tự làm tăng thêm vốn hiểu biết xã hội thông qua việc xem thời sự, đọc báo, xem chương trình Quà tặng cuộc sống, đọc những cuốn sách giàu tính nhân văn, triết lý trong cuộc sống như Hạt giống tâm hồn…

    Chưa kể, việc đọc nhiều sách còn giúp bạn tăng thêm vốn từ, nguồn ví dụ, dẫn chứng chắc chắn sẽ giúp ích cho các thí sinh rất nhiều khi làm bài.

    Phương pháp học không là tuyệt đối vì có thể thích hợp với người này nhưng lại không khiến người khác học tốt hơn. Chính vì vậy, ngoài việc tham khảo các bí kíp học khối C đã được đúc kết lại từ những “tiền bối” đi trước thì các sĩ tử của năm nay hãy tự  tìm ra một số cách học hiệu quả nhất cho mình.

    Song, điều bạn trọng nhất mà bạn cần nhớ đó là hãy giữ vững tinh thần thật ổn định, thoải mái và tự tin trước khi bước vào phòng thi.

    Nguyễn Phượng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kip-hoc-nuoc-rut-cho-cac-si-tu-khoi-c-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-a229900.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan