+Aa-
    Zalo

    Bất lực với xe quá tải băm nát tuyến đê ngăn lũ dọc sông Chu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trước sự lưu thông cả ngày lẫn đêm của dòng xe quá tải, tuyến đê ngăn lũ sông Chu (Thanh Hóa) đã bị “băm nát” không thương tiếc...

    (ĐSPL) – Trước sự lưu thông cả ngày lẫn đêm của dòng xe quá tải, tuyến đê ngăn lũ sông Chu (Thanh Hóa) đã bị “băm nát” không thương tiếc. Mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
    Thời gian gần đây, người dân các xã dọc tuyến đê sông Chu (Thanh Hóa) hết sức bức xúc trước tình trạng “xe vua” chở cát ngày đêm băm nát các con đường liên xã, gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Không chỉ thế, mặt đê còn bị cày nát, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Dù người dân liên tục kêu cứu, nhưng cơ quan chức năng dường như bất lực.
    Lời kêu cứu từ tuyến đê ngăn lũ sông Chu
    Xe tải hoạt động suốt ngày đêm, băm nát tuyến đê dọc sông Chu
    Đê ngăn lũ bị "nát bét"
    Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng trăm lượt "xe vua" chở cát chạy trên các tuyến đê xung yếu, đoạn qua địa bàn các xã Thiệu Vũ, Thiệu Tiến, Thiệu Phúc, thuộc địa phận huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Hoạt động của đoàn xe khiến mặt đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
    Bà Trần Thị Quế, trú ở xã Thiệu Phúc cho biết: "Nhà tôi nằm ở chân đê sông Chu, ngày nào cũng chứng kiến hàng trăm lượt xe ô tô chở cát chạy ầm ầm trên đê. Cứ khoảng 15 phút lại thấy 1 chiếc xe ngang qua, bụi bay mù mịt khiến tôi phải đóng cửa cả ngày. Ban đêm, xe cũng chở cát, có khi xuất hiện cả đoàn xe. Tôi già rồi, đã khó ngủ lại còn nghe tiếng xe như thời Mỹ ném bom ấy nên mất ngủ triền miên. Chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe của trẻ nhỏ vì bụi bặm, tiếng ồn triền miên".
    Lời kêu cứu từ tuyến đê ngăn lũ sông Chu
    Mặt đê xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn
    "Ngày nào tôi đi làm qua tuyến đê này cũng bắt gặp xe chở cát. Xe chở đầy ắp, cát rơi vung vãi, bụi mù mịt. Có khi, cát mới hút lên xe đi đến đâu nước chảy đến đó, đi qua các đoàn xe như vậy, quần áo tôi cũng bẩn như đi cày”, anh Lê Văn Cần, ở xã Thiệu Tiến bức xúc cho biết.
    Nhiều người dân cho biết, trước đây đường bê tông rộng, đẹp, bằng phẳng, từ ngày xe ô tô chở cát lưu thông, cả chục cây số đường trở nên nham nhở, nát bét. Trước tình trạng trên, người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền cấp trên nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
    Lời kêu cứu từ tuyến đê ngăn lũ sông Chu

    Lời kêu cứu từ tuyến đê ngăn lũ sông Chu

    Hàng trăm lượt xe chở cát quá tải ngang nhiên chạy dọc tuyến đê sông Chu qua địa bàn các xã thuộc huyện Thiệu Hóa.

    Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng   
    Được biết, vấn nạn xe quá khổ, quá tải “băm nát” nhiều tuyến đê xung yếu đã được đưa ra bàn luận trong các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
    Ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thanh Hóa thừa nhận: Thực trạng trên hiện đang diễn ra tại nhiều tuyến đê, sở cũng đã triển khai lực lượng về các điểm chốt trên tuyến đê sông Chu để ngăn chặn.
    Lời kêu cứu từ tuyến đê ngăn lũ sông Chu

    Xe quá tải chở cát hoạt động cả ban đêm, khiến những hộ dân sống ven đê mất ngủ triền miên.

    "Trong nhiều năm qua, tình trạng xe quá tải quá khổ lưu thông gây hư hỏng kết cấu hạ tầng diễn ra rất nhiều. Các cấp chính quyền huyện, xã có vai trò bảo vệ đê điều, ngăn chặn xe "hổ vồ" dường như bất lực. Vậy nên, xe quá tải vẫn chạy, còn đường cứ thế xuống cấp mà lợi nhuận thì rơi vào các nhóm lợi ích, các doanh nghiệp, cá nhân và chủ thầu", ông Minh chia sẻ.
    Bàn về biện pháp xử lý xe quá tải trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, ông Minh nói thêm: "Theo quy định, tải trọng xe được lưu thông trên tuyến đê là 10 tấn nhưng các xe chở lên đến 20 tấn, thậm chí 30 tấn. Để "canh" đường đê sông Chu, nối dọc 6 bãi cát, từ cầu Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa) đến cầu phao Hạnh Phúc (huyện Thọ Xuân), chúng tôi đã cử 4 tổ công tác, 2 tổ chốt ở Thọ Xuân, 2 tổ chốt ở Thiệu Toán và Thiệu Tâm (đầu cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa). Trong vòng hơn 1 tháng, chúng tôi đã xử phạt và thu giữ trên 500 triệu đồng. Nhìn chung, tình hình xe quá tải đã có thuyên giảm".
    Lời kêu cứu từ tuyến đê ngăn lũ sông Chu
    Đoàn xe quá tải bị thanh tra giao thông bắt giữ.
    Cũng theo ông Minh, huyện phải có trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng đê điều. Kinh phí bảo dưỡng hàng năm sở đã giao cho huyện quản lý, do vậy huyện phải có trách nhiệm làm các biển báo quy định tải trọng và triển khai cho các lực lượng cấp xã thực hiện. Nếu để đê bị hư hỏng, chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch tỉnh theo nghị định của Chính phủ. Còn Thanh tra giao thông chỉ là lực lượng nòng cốt xử lý ở các điểm nóng.
    Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải đang ngày đêm cày nát tuyến đê sông Chu, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều phương án nhằm giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề tạm thời, vấn đề gốc rễ vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ban, ngành và chính quyền địa phương thông qua những việc làm thực tế.
    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-luc-voi-xe-qua-tai-bam-nat-tuyen-de-ngan-lu-doc-song-chu-a58846.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Clip: Dân lập rào chặn xe quá tải

    Clip: Dân lập rào chặn xe quá tải

    (ĐSPL) - Nhiều người dân sinh sống hai bên đường Tân Cang do quá bức xúc với tình trạng xe ben, xe container chở quá tải cày nát đường, gây mất an toàn giao thông...