Tuấn xưng là phóng viên, đã dùng camera ghi lại việc xây dựng nhà vườn của ông Thơ, dọa viết bài phản ánh sai phạm để tống tiền hàng trăm triệu đồng.
Báo Thanh niên đưa tin, ngày 7/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng tạm giữ hình sự Trần Minh Tuấn (42 tuổi, ngụ tổ 167, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để tiếp tục làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Người tố cáo là ông Nguyễn Thơ, 37 tuổi, trú tại tổ 3, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, vào tháng 3, Tuấn dùng camera quay phim việc xây dựng nhà vườn của ông Nguyễn Thơ.
Ngày 17/3, Tuấn gọi điện cho ông Thơ, tự xưng "là nhà báo",ơ dọa sẽ viết bài đăng báo để cơ quan chức năng xử lý, phá dỡ công trình của ông Thơ, vì Tuấn cho rằng công trình xây dựng này có nhiều vi phạm.
Tuấn yêu cầu ông Thơ đưa 300 triệu đồng để Tuấn "không viết bài".
Ngày 30/3, ông Thơ gặp và đưa cho Tuấn 10 triệu đồng. Sau đó, Tuấn tiếp tục gọi điện đe dọa, giục ông Thơ đưa số tiền còn lại.
Ảnh minh họa: Đà Nẵng vừa bắt giữ kẻ xưng danh nhà báo đi tống tiền (Ảnh: báo Lao Động) |
Liên quan đến vụ việc, báo Lao Động cho biết, ngày 4/4/2017, Công an TP. Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố cáo của ông Nguyễn Thơ tố cáo ông Trần Minh Tuấn có hành vi lấy danh nhà báo đe dọa, tống tiền.
Ngày 5/4, tại quán cà phê trên đường Ông Ích Khiêm, lực lượng cảnh sát bắt quả tang Tuấn đang nhận 20 triệu đồng từ ông Nguyễn Thơ khi Tuấn giao lại cho ông Thơ 1 thẻ nhớ chứa dữ liệu đe doạ, tống tiền ông Thơ.
Báo VOV cũng cho hay, tại cơ quan điều tra, Trần Minh Tuấn chỉ có giấy giới thiệu của Báo Thương hiệu và Công luận nhưng đã hết hạn và có dấu hiệu tẩy xoá, sửa chữa.
Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu và khởi tố vụ án theo điều 135 Bộ Luật Hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Điều 135 luật hình sự quy định tội cưỡng đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)