Người Lao Động đưa tin, ngày 6/10, ông Lê Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho biết đơn vị này ghi nhận một trường hợp tử vong do ăn thịt cóc và trứng cóc.
Nạn nhân là D.Th.Đ (SN 1999; ở trọ tại đường Nguyễn Cư Trinh, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Theo đó, ngày 4/10, Trung tâm Y tế TP Đồng Hới nhận được thông tin có trường hợp tử vong do ăn thịt và trứng cóc, nên đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành điều tra theo quy định.
Cụ thể, lúc 18h hôm 2/10, Đ. có làm thịt cóc và ăn bữa tối một mình tại phòng trọ. Bữa ăn gồm có các món: cá ngừ kho, canh cà chua, thịt cóc và trứng cóc xào.
Sau 30 phút, nam thanh niên cảm thấy đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi nên tự lái xe máy đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để thăm khám. Bệnh nhân lập tức đưa đến Khoa Hồi sức của bệnh viện để chữa trị.
Chỉ sau 3 giờ đồng hồ, bệnh nhân ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn rồi tử vong và được chẩn đoán do ngộ độc sau ăn thịt cóc, trứng cóc.
Theo các bác sĩ, dù đã tiến hành rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và đặt máy tạo nhịp nhưng bệnh nhân không hồi phục và tử vong do ngộ độc rất nặng.
Theo kết quả điều tra cho thấy bệnh nhân, nạn nhân bắt cóc trong vườn nhà trọ sau đó làm thịt và xào nấu. Các bác sĩ khuyến cáo, không nên bắt, sử dụng cóc để chế biến thực phẩm vì cóc có độc tố rất mạnh, nếu làm vệ sinh không kỹ có nguy cơ gây ngộ độc cao.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời bác sĩ Lê Hồng Nhân- Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: Đây là trường hợp bệnh nhân nặng vì triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm ngay sau khi ăn. Nọc cóc hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa dẫn đến tổn thương về thần kinh, tim mạch và tăng kali máu. Khi xuất hiện rung thất thì hầu hết bệnh nhân bị tử vong.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo, cóc có thể gây độc toàn bộ vòng đời của nó, từ trứng, nòng nọc, cóc nhỏ đến cóc trưởng thành.
Tuyến độc của cóc nằm bao phủ toàn bộ ở da và ở tuyến mang tai, nội tạng, trứng. Nhiễm độc toàn thân xảy ra khi ăn nội tạng và trứng, trẻ em liếm cóc, cầm cóc khi da tổn thương hay ngậm cóc vào miệng hoặc độc tố bắn vào mắt...
Ngộ độc nọc cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, tốt nhất là chỉ nên ăn thịt cóc đã chắc chắn chế biến đúng cách, tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc.
Khi có triệu chứng ngộ độc, nên chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Nguyễn Linh(T/h)