Nhóm đạo tặc đã gây ra 9 vụ trộm cắp ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) và vùng lân cận với tổng giá trị tài sản hơn 200 triệu đồng.
Báo VnExpress đưa tin, chiều 19/4, thiếu tá Nguyễn Thành Nhân (Phó trưởng công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, Trần Văn Thuận (44 tuổi), Trần Văn Hưng (32 tuổi) và Nguyễn Đình Hân (18 tuổi) đã bị bắt về hành vi Trộm cắp tài sản.
Từ trái sang: Hân, Hưng và Thuận tại cơ quan công an - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Theo thông tin đăng tải trên báo An ninh thủ đô, từ đầu năm 2017, công an huyện Nghi Lộc liên tiếp nhận được trình báo của các hộ dân ở xã Nghi Thạch, Nghi Phong, Nghi Xuân về việc nhà họ bị trộm đột nhập vào lấy nhiều tài sản có giá trị.
Ngày 14/4, cơ quan công an tiếp tục nhận được trình báo của gia đình chị Trần Thị Mai (trú ở Nghi Thạch) về việc gia đình bị trộm đột nhập cạy két sắt lấy đi nhiều tiền vàng và trang sức. Nhận được tin báo, công an huyện Nghi Lộc nhanh chóng vào cuộc điều tra, rà soát thấy nổi lên Trần Văn Thuận trú ở xã Nghi Phong có nhiều nghi vấn.
Két sắt và một phần tài sản kẻ gian trộm được - Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Thuận có hành tung bất minh cộng với việc tiêu xài rất hoang phí. Ngày 16/4, Thuận bị bắt tại nhà riêng. Từ lời khai của Thuận, 1 ngày sau cơ quan công an bắt giữ thêm Hân và Thứ.
Tại cơ quan công an, nhóm này khai nhận đã gây ra 9 vụ trộm trên địa bàn với tổng tài sản khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ phá két sắt nhà chị Mai, Thuận và đồng bọn còn cạy hòm công đức của nhà thờ để trộm gần 10 triệu đồng. Số tài sản mà các đối tượng này lấy trộm được đều bị đem bán lấy tiền ăn tiêu.
Hiện công an huyện Nghi Lộc đang mở rộng điều tra vụ án.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)