(ĐSPL) - Đang trên đường vận chuyển nhiều cá thể khỉ mặt đỏ và xương động vật hoang dã đi tiêu thụ, hai đối tượng ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã bị công an phát hiện và bắt giữ.
Ngày 4/12, thông tin từ Phòng cảnh sát môi trường, Công an Nghệ An cho biết, mới đây đơn vị đã phát hiện và bắt giữ hai đối tượng vận chuyển nhiều cá thể khỉ mặt đỏ và xương động vật hoang dã đi tiêu thụ.
Phòng cảnh sát môi trường, Công an Nghệ An vừa phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép khỉ mặt đỏ. |
Theo đó, thời gian gần đây, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc địa bàn Nghệ An xuất hiện một số đối tượng có hành vi vận chuyển và mua bán động vật hoang dã quý hiếm trái pháp luật.
Nhận được tin báo, Phòng Cánh sát môi trường, Công an Nghệ An đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.
Sau một thời gia theo dõi, vào chiều ngày 3/12 tại đường liên xã thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An), tổ công tác Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện 2 đối tượng đi xe máy chở bao tải có biểu hiện nghi vấn vận chuyển động vật hoang dã.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã ra tin hiệu dừng xe và kiểm tra. Tại đây, tổ công tác phát hiện hai đối tượng vận chuyển chở 7 con khỉ mặt đỏ (1 con còn sống), với tổng trọng lượng nặng gần 60 kg và 14 kg xương động vật hoang dã đi bán.
Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai là Phạm Ngọc Thủy (42 tuổi) và Nguyễn Văn Sơn (39 tuổi), cùng trú huyện Anh Sơn (Nghẹ An). Các đối tượng đã thừa nhận thu gom mua khỉ mặt đỏ và xương động vật ở huyện miền núi Nghệ An, sau đó đưa đi bán lại tại vùng đồng bằng để kiếm lời.
Hiện vụ việc đang được Phòng Cánh sát môi trường, Công an Nghệ An tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.
Điều 190, Luật Hình sự năm 1999 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm: 1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (2009) Luật này bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2010 và Điều 190 được sửa đổi thành Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, Luật bổ sung thêm hành vi nuôi, nhốt và vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể của loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mức phạt cao nhất cũng tăng lên 500 triệu đồng hoặc 7 năm tù giam. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |