Sau 10 năm qua thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Tư lệnh BĐBP về xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới; Chỉ thị 08 và Quyết định 549 của UBND tỉnh Lào Cai về hỗ trợ kinh phí đối với nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, đặc biệt là 93 thôn, bản, tổ dân phố giáp biên đã thành lập "Tổ tự quản đường biên, cột mốc" và đang hoạt động có hiệu quả, cùng với BĐBP quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Tỉnh Lào Cai có đường biên giới dài 186,086km, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, trải dài trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn biên giới, nhân dân sinh sống, làm ăn lâu đời trên biên giới. Vì vậy, người dân hiểu rất rõ về đường biên, mốc giới nên các vụ việc xảy ra trên biên giới thường được bà con phát hiện. Từ đó, BĐBP đã tăng cường bám nắm địa bàn, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn, bản, giúp nhân dân có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, tích cực cùng BĐBP tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Địa bàn Đồn BP Mường Khương đến nay tất cả các thôn, bản giáp biên đều đã thành lập "Tổ tự quản đường biên, cột mốc". Những buổi họp thôn do BĐBP tổ chức đã thành nề nếp với người dân nơi đây. Chỉ sau bữa cơm tối là đồng bào đã tập trung tại nhà trưởng thôn để nghe tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, về đường lối, chủ trương của Đảng và thông báo về tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.
BĐBP Lào Cai tuần tra bảo vệ biên giới. |
Thôn Séo Tủng, huyện Mường Khương từ khi thành lập được tổ nhân dân tự quản đã thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Mường Khương đi tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc. Được sự hướng dẫn của BĐBP, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào tăng gia sản xuất nâng cao đời sống và cùng với BĐBP bảo vệ biên giới.
Sau mỗi buổi phối hợp tuần tra đều hội ý tại nhà trưởng thôn để rút kinh nghiệm và thông tin trao đổi tình hình với nhau. Việc tổ chức phối hợp các tổ nhân dân tự quản với đơn vị đều có kế hoạch cụ thể và hằng năm vào dịp tổng kết đều có bình xét đề nghị khen thưởng cho các cá nhân có thành tích trong tham gia bảo vệ biên giới. Đây là một phong trào rất có ý nghĩa, huy động được sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Địa bàn Đồn BPCK Quốc tế Lào Cai là nơi diễn ra nhiều hoạt động thương mại, du lịch và giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở đây có nhiều phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, gắn bó quân dân và sự phối kết hợp chặt chẽ hơn giữa cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương.
Những năm qua, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn, bản, từng tổ dân phố, nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, bảo vệ biên giới. Trong các buổi phát quang đường tuần tra của Đồn BPCK Quốc tế Lào Cai đều có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã. Những buổi họp giao ban giữa đồn BP với chính quyền các xã, phường trên địa bàn đều theo lịch hằng tuần, tháng.
Từ sự gắn kết đó, trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới và bảo vệ biên giới quốc gia, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng ngày càng gần gũi, gắn bó với đồng bào và được nhân dân tin yêu, chung tay góp sức trên mỗi bước đường tuần tra. Đến nay, nhân dân các thôn, bản giáp biên giới đã cùng đồn BP tuần tra được trên 1.000 lần với hàng chục nghìn lượt người tham gia, phát hiện nhiều hoạt động vi phạm Hiệp định tạm thời của phía đối diện như: Nổ mìn, đánh bắt cá trên sông, suối biên giới, nhập cảnh trái phép... Ngoài ra, nhân dân còn phát hiện, báo cho chính quyền địa phương, đồn BP và trực tiếp tham gia đấu tranh với hàng trăm vụ buôn lậu, tội phạm ma túy, buôn bán người qua biên giới.
Từ phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản khu vực biên giới, đã có hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh khen thưởng.