Tờ South China Morning Post mới đây đã đăng tải bài viết về cuộc sống của người dân Hà Nội sau khi xuất hiện ca thứ 17 nhiễm Covid-19.
Một phụ nữ Việt Nam đeo khẩu trang đi xe đạp ở Hà Nội. Đường phố thủ đô vắng lặng. Ảnh: EPA-EFE |
Theo SCMP, ít nhất 40 tỉnh và một số thành phố ở Việt Nam, bao gồm cả Hà Nội, đã cho học sinh nghỉ học tới hết ngày 15/3, sau khi phát hiện những ca nhiễm Covid-19 mới.
Việt Nam hiện có 34 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (vào thời điểm tác giả viết bài báo này), 210 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và hơn 20.000 người đang được cách ly.
Trước đó, ngày 4/3, Việt Nam đã chữa khỏi cho 16 người nhiễm Covid-19 và báo cáo không có bất kỳ ca nhiễm mới nào trong vòng 22 ngày. Nhưng chỉ một ngày sau đó, trường hợp thứ 17 đã được công bố tại Hà Nội.
Bệnh nhân này đã đến thăm London, Milan và Paris, sau đó từ London trở về nhà ở Hà Nội, trên chuyến bay của Vietnam Airlines vào ngày 2/3.
12 ca nhiễm mới của Việt Nam cũng bay trên cùng chuyến bay của bệnh nhân thứ 17, người ngồi ở hạng thương gia. Một trong số họ là người Việt Nam và số còn lại là người nước ngoài.
Các ca nhiễm mới khác bao gồm tài xế riêng và dì của bệnh nhân, trong khi một phụ nữ Việt Nam 24 tuổi đã gặp cô ở London vào ngày 27/2 cũng cho kết quả dương tính.
Khu phố nơi bệnh nhân thứ 17 sinh sống, có 22 gia đình với 176 cư dân, đã bị phong tỏa ngay sau khi cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính.
Các nhà chức trách đã xác định được danh tính 156 trong số 201 hành khách trên chuyến bay từ London cùng những địa điểm họ đã ghé thăm, đồng thời vẫn đang truy tìm những hành khách còn lại.
Ngày 10/3, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục xác nhận trường hợp nhiễm bệnh thứ 34 - một phụ nữ đã trở về nhà sau chuyến đi đến Mỹ. Người phụ nữ 51 tuổi hiện đang được điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Bình Thuận.
Phun thuốc khử trùng để đề phòng Covdi-19 tại Hà Nội. Ảnh: EPA-EFE |
Đường phố Hà Nội hiện khá vắng vẻ. “Mọi người đều ở nhà. Các cửa hàng và nhà hàng đều đóng cửa, giống như Tết Nguyên đán”, một cư dân Hà Nội cho biết.
Hà, một giáo viên dạy tiếng Nhật, cho biết cô đã nhận công việc dạy kèm và giảng dạy tại các trung tâm ngôn ngữ khác nhau, vài tuần trước khi các trường hợp mới được công bố. Tuy nhiên, những kế hoạch này đã nhanh chóng bị phụ huynh hủy bỏ vì lo ngại lây nhiễm Covid-19.
“Nhiều phụ huynh mà tôi biết đã gửi con về quê”, Hà nói.
Trong một quyết định chính thức, được công bố vào ngày 7/3, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gia hạn thời gian nghỉ cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tới hết ngày 15/3. Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề cũng được nghỉ.
Trang Hoàng, một người kinh doanh dịch vụ Airbnb tại Hà Nội, cho biết cô đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự hoảng loạn đang gia tăng do dịch bệnh.
Thủy Nguyễn, một bà mẹ ba con người Hà Nội, cho biết cô đang giữ con trong nhà để tránh cho chúng bị nhiễm bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã công nhận những nỗ lực của Việt Nam để chống lại căn bệnh này.
Tiến sĩ Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, cho biết trong trường hợp Covid-19 lây lan rộng, các nỗ lực để xác định và truy tìm các trường hợp đơn lẻ sẽ không còn là ưu tiên chính.
Thay vào đó, các nguồn tài nguyên nên tập trung vào việc theo dõi sự lây lan và đặc điểm của virus, xác định và quản lý các trường hợp nghiêm trọng, ngăn chặn sự lây truyền của virus, thông báo cho cộng đồng và giảm thiểu các tác động đối với kinh tế và xã hội nói chung.
Việt Nam đã tạm dừng chương trình miễn thị thực cho công dân Anh và 8 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu bao gồm Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Mộc Miên(Theo SCMP)