Hôm 11/8, Trung Quốc đã cảnh báo Triều Tiên rằng nếu Bình Nhưỡng chủ động tiến hành phóng tên lửa tấn công Mỹ, Bắc Kinh sẽ không tới hỗ trợ.
Cảnh báo cả Mỹ lẫn Triều Tiên
Từ khi căng thẳng Mỹ-Triều trở nên gay gắt hơn, Trung Quốc liên tục kiên định với quan điểm kêu gọi đối thoại, nhằm giải quyết những mâu thuẫn giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, mới đây, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc xuất bản một bài xã luận cảnh báo cả Bình Nhưỡng và Washington rằng, “khi hành động của họ gây nguy hiểm cho lợi ích của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ phản ứng một cách cương quyết”.
|
Cũng trong bài xã luận trên, Thời báo Hoàn cầu nêu rõ, “nếu Triều Tiên chủ động phóng tên lửa đe dọa lãnh thổ của Mỹ và Washington sau đó trả đũa thì Trung Quốc sẽ đứng ở vị trí trung lập”.
Mặt khác, tờ báo viết, “nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các đợt tấn công và cố gắng thay đổi chế độ của Triều Tiên và mô hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ đứng ra ngăn cản họ làm công việc đó”.
Theo ông Konstantin Asmolov, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu phản ánh rõ sự phản đối của Bắc Kinh.
“Thông điệp (của bài viết) rõ ràng là Bắc Kinh sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên”, Asmolov nói.
Nội dung này xuất hiện trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ trong tuần qua liên tục “khẩu chiến” gây leo thang căng thẳng trong quan hệ hai nước. Nói về những đợt thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/8 đã đe dọa Triều Tiên phải đối mặt với “lửa và giận dữ” mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến.
Sau khi ông Trump lên tiếng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo Bình Nhưỡng không nên có những “hành động dẫn tới chấm dứt chế độ của mình và gây hại cho người dân”. Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng lên kế hoạch đưa máy bay đánh bom B-1B tới đánh phủ đầu ở những địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên.
Triều Tiên phản ứng lại bằng cách tuyên bố rằng, vào giữa tháng Tám, Bình Nhưỡng sẽ hoàn thành một kế hoạch nhằm khởi động một cuộc tấn công nhằm vào đảo Guam thuộc lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
|
Cố vấn của bộ An ninh Nội địa Mỹ phân tích, đảo Guam không bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên bởi hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng bảo vệ hòn đảo.Chưa dừng lại ở đó, sáng ngày 11/8, ông Trump tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc “khẩu chiến” khốc liệt chưa có hồi kết này. Ông viết trên mạng xã hội Twitter rằng “những giải pháp quân sự toàn bộ đã sẵn sàng, đạn đã lên nòng, trong trường hợp Triều Tiên hành động dại dột. Hy vọng rằng (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) sẽ tìm ra một con đường khác”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định, Trung Quốc sẽ “kiên quyết chống lại bất kỳ bên nào muốn thay đổi hiện trạng của những khu vực mà lợi ích của Trung Quốc hiện diện. Bán đảo Triều Tiên là nơi mà lợi ích chiến lược của tất cả các bên hội tụ. Không quốc gia nào nên cố gắng trở thành nhân vật thống trị duy nhất ở đây”.
Trung Quốc đã ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau Trung-Triều vào năm 1961, trong đó cam kết sẽ can thiệp nếu Triều Tiên bị kéo vào một cuộc xung đột vô cớ, nhưng điều kiện đó không mở rộng với trường hợp Bình Nhưỡng chủ động gây ra xung đột.
Ngọn lửa nhỏ, đám cháy lớn?
Giáo sư luật Tong Zhiwei từ đại học Khoa học Luật và Chính trị Đông Trung Quốc tại Thượng Hải viết trong một bài báo cho tờ Financial Times rằng việc chấm dứt thỏa thuận này nên là mục tiêu trong tương lai gần của Bắc Kinh bởi nó đang được các nhà chức trách Triều Tiên sử dụng để “bảo vệ hành vi sai trái của họ khỏi các lệnh trừng phạt”.
|
“Trong tình hình hiện nay, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng có thể thổi bùng đám lửa tại khu vực. Cuộc xung đột tiềm ẩn sẽ mở rộng, gây ra những tổn hại khủng khiếp tới những quốc gia láng giềng. Những nước lớn như Trung Quốc, Nga đang phản đối căng thẳng trong khu vực. Cùng lúc đó, chúng ta không nên quên rằng Bắc Kinh và Moscow không ủng hộ chính sách của Triều Tiên, nhưng họ cũng phản đối những mối đe dọa từ Washington cùng các giải pháp quân sự”, chuyên gia nhận xét.Còn Ba Dianjun, Giám đốc Trung tâm Đông Bắc Á tại đại học Cát Lâm (Trung Quốc) nhấn mạnh, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên trước và khởi động chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc và nhiều quốc gia khác gồm Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ lập tức chống lại cuộc chiến đó.