Tin trên Dân trí, phát biểu trong một diễn đàn được truyền hình trực tiếp hôm qua (11/8), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, cả Nga và Trung Quốc đều có “hàng loạt đề xuất” nhằm ngăn chặn tình hình có thể trở thành “một trong những cuộc xung đột tàn khốc nhất” và “cuộc khủng hoảng gây nhiều thương vong” giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ngoại trưởng Lavrov hối thúc Washington và Bình Nhưỡng nên chấp thuận đề xuất do Nga và Trung Quốc đưa ra. Theo đó, Triều Tiên nên đóng băng chương trình thử tên lửa, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik |
Phát biểu tại diễn đàn, Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết, Triều Tiên từng ký Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân (NPT) nhưng sau đó rút lại.
“Bây giờ Triều Tiên nói rằng họ có quyền chế tạo vũ khí hạt nhân và thực tế đã làm. Nhưng quý vị biết quan điểm của chúng tôi là: Chúng tôi không chấp nhận việc Triều Tiên có thể sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Lavrov nói.
Cách đây 2 ngày, VTV đăng tải, thông điệp từ Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên, rằng: “Lực lượng Chiến lược Quân đội Nhân dân Triều Tiên đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch sử dụng tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Hwasong-12 tấn công các khu vực quanh đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ, bao gồm Căn cứ Không quân Anderson”.
Nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, Guam là phần lãnh thổ của Mỹ nằm gần Triều Tiên nhất. Nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên, với vị trí này, Guam được coi là mục tiêu tấn công hợp lý của Bình Nhưỡng.
Đáng chú ý, đây là tuyên bố đầy thách thức mà Triều Tiên vừa đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, bất cứ mối đe dọa nào của Bình Nhưỡng đối với Washington cũng sẽ phải đối mặt với 1 sự đáp trả mạnh mẽ.
Hiện nay, chính sách mà chính quyền Trump đang áp dụng với Triều Tiên được vắn tắt trong 2 mệnh đề là "sức ép tối đa" trong khi "tiếp tục can dự". Đây được coi là hệ quả tiếp theo, hơn là một bước ngoặt thay đổi trong so sánh với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" từ thời chính quyền Obama.
Chính sách này dựa trên 2 nhận định căn bản. Một là Mỹ cho rằng Triều Tiên đến giờ vẫn chưa phải chịu trừng phạt hết mức có thể. Hai là Mỹ tin rằng hiện vẫn còn một khoảng thời gian nhất định trước khi Triều Tiên thực sự trở thành quốc gia hạt nhân hay thực sự có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.
TTXVN trước đó đăng tải, ngày 4/7 vừa qua là một dấu mốc tồi tệ trong chính sách Triều Tiên của Washington, không chỉ vì Bình Nhưỡng đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hôm đó cũng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva. Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp làm giảm leo thang tình hình liên Triều, có thể bao gồm một lệnh đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và tập trận quy mô lớn giữa Mỹ - Hàn Quốc.
Mỹ thì tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận khác. Nhiều tháng qua, Washington đã gia tăng gây áp lực lên Bắc Kinh để hối thúc nước này giúp tháo ngòi nổ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Tuần trước, sau khi chính quyền Trump kết luận rằng Trung Quốc đang hoạt động theo ý riêng và sẽ không giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Washington đã quyết định áp đặt trừng phạt một số công ty và cá nhân của Bắc Kinh làm ăn với phía Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng nỗ lực kéo Nga vào công cuộc tìm kiếm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Sau sự việc một quả tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng ngoài khơi cảng Vladivostok của Nga trên Thái Bình Dương hồi tháng 5, Điện Kremlin đã ra tuyên bố: “Với tác động tên lửa rất gần với đất Nga – trên thực tế, gần Nga hơn Nhật Bản – ngài Tổng thống không thể hình dung rằng Nga thấy hài lòng”.
(Tổng hợp)