Anh Nguyễn Duy Dũng (SN 1983), ngụ quận Liên Chiểu, là công nhân, lương mỗi tháng chỉ hơn 5 triệu đồng, phải chu cấp nuôi hai con. Nhiều tháng qua, chân bị hạch khá đau nhưng không có tiền nên anh ngại đi khám. Đầu tháng 6/2022, hạch bị sưng, chảy mủ, đau nhứt nên anh đành đến bệnh viện khám. Khi được bác sĩ yêu cầu nhập viện phẫu thuật, anh rất lo lắng, sợ không đủ chi phí điều trị.
“Trong quá trình nhập viện hơn 10 ngày, tôi nộp 4 triệu đồng. Chi phí tổng cộng điều trị hơn 10 triệu đồng. Do có thẻ BHYT, tôi được phía bảo hiểm thanh toán 80% nên chỉ mất hơn 2 triệu đồng. Khi về, tôi còn được trả lại gần 2 triệu đồng. Bảo hiểm đúng là phao cứu sinh cho những người có hoàn cảnh khó khăn”, anh thở phào.
Trong khi đó, ông Võ Văn Chín (1968), quận Liên Chiểu, có bệnh sử van tim chỉnh hình. Đầu tháng 3/2021, ông bị nhiễm Covid-19. Sau đó, bệnh tình nặng, ông bị suy tim phải cấp, được bác sĩ chỉ định sử dụng ECMO. Bệnh nhân được sử dụng van tim cơ học. BHYT thanh toán điều trị gần 524 triệu đồng.
Chị Trịnh Hồng Nhi (SN 1999), quận Liên Chiểu cho biết, bị bệnh bạch cầu dạng tuỷ sống. Năm 2021, do bệnh tình nặng, chị nhiều lần nhập viện và được bảo hiểm chi trả gần 200 triệu đồng. Cùng bị bệnh này, nhưng bà Nguyễn Thị Hường (SN 1958), ngụ huyện Hoà Vang, còn kèm thêm các bệnh khác như viêm dạ dày, suy giáp, viêm đa dây thần kinh.... Sau quá trình nhập viện điều trị, tổng số tiền bà được BHYT chi trả gần 500 triệu đồng. Theo bà này: “Chi phí điều trị quá lớn, may nhờ thẻ BHYT, nếu không có BHYT chắc tôi không thể sống đến hôm nay”.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hằng, đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng tâm sự: “Cuộc sống tiềm ẩn nhiều rủi ro, không biết trước được điều gì. Do đó, tôi nghĩ mọi người nên tham gia BHYT, không chỉ giúp mình lẫn người thân giảm gánh nặng khi chẳng may gặp ốm đau, bệnh tật”.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhận định, BHYT giúp nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng kinh tế. Với người bệnh nặng, điều trị dài ngày, nếu không có BHYT sẽ đẩy họ vào hoàn cảnh khó khăn hơn. BHYT là chính sách nhân văn, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Do đó, ông khuyên tất cả mọi người nên tham gia BHYT.
Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh đối với đời sống cộng đồng, góp phần thực hiện bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội. Nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể của Thành phố đã tích cực vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về BHYT. Do đó, số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.
Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, BHXH TP đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia BHYT; thực hiện việc cấp thẻ BHYT kịp thời, nhanh chóng; bảo đảm quyền lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.
Tính đến ngày 31/5/2022, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn TP.Đà Nẵng là 1.059.616 người, đạt 96,56% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân 97,5%. Đến ngày 31/5/2022, đã có 837.954 lượt người khám chữa bệnh BHYT, trong đó: ngoại trú 729.170 lượt người, nội trú 108.784 lượt người. Chi phí khám chữa bệnh BHYT là 864.301 triệu đồng, trong đó: ngoại trú 208.273 triệu đồng, nội trú 656.028 triệu đồng.
HUYCƯỜNG