+Aa-
    Zalo

    Báo động tình trạng "lên đời" thịt lợn thành thịt thú rừng bằng hóa chất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những cơ sở dùng hóa chất “hô biến” thịt lợn nái thành thịt bò, đặc sản thú rừng như đà điểu, nhím…

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những cơ sở dùng hóa chất “hô biến” thịt lợn nái thành thịt bò, đặc sản thú rừng như đà điểu, nhím…  Cơ quan chức năng kêu gọi cộng đồng tẩy chay sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

    Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở chế biến của ông Nguyễn Xuân Bính (tại phường 13, Quận 3, TP HCM), dùng tiểu xảo “hô biến” thịt lợn nái thành thịt bò, đặc sản thú rừng như đà điểu, nhím…

    Ông Bính thừa nhận đã mua thịt lợn từ Đồng Nai về ngâm vào dung dịch huyết bò và pha với hóa chất Metabisulfite mua tại chợ Kim Biên, “phù phép” thành thịt bò, thịt đặc sản thú rừngVới thủ đoạn này, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông Bính xuất ra thị trường từ 500 – 600kg, bán với giá từ 135.000 đồng tới 140.000 đồng/kg, lãi hơn 30\% giá thịt mua vào.

    Tại xưởng chế biến, cơ quan chức năng phát hiện 750kg thịt lợn đã được “phù phép” để bán ra thị trường và gần 1.300kg thịt lợn đang chờ xử lý cùng 2 túi bột hóa chất.

    Gian thương "hô biến' thị lợn thành tihị thú rừng bằng huyết và hóa chất. (Ảnh: VietQ).

    Trước đó, theo tin tức trên báo Dân trí, chiều 2/6, Đội 3 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM đã phát hiện và xử lý một cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm giả. Cơ sở không tên này nằm trên đường số 3 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) do bà Lương Thị Thu Thủy làm chủ.

    Thời điểm bị kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang bà Thủy cùng nhóm công nhân đang nhúng khoảng 1 tấn thịt lợn vào huyết để tạo màu đỏ tươi nhằm “hô biến” thành thịt đà điểu, thịt nai và thịt bò, sau đó đóng gói trong bao bì rất tinh vi, bên ngoài ghi các nhãn hiệu như “sản phẩm từ nai, đà điểu”, “thực phẩm của thời đại”… chi tiết đến mức có cả thông tin “trang trại chăn nuôi Củ Chi, Sóc Trăng” nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

    Ngoài ra, PC49 thu giữ 120 kg thịt đà điểu, thịt nai và thịt bò được làm giả từ thịt lợn, 976 kg thịt lợn được đóng vào từng bịch riêng lẻ với trọng lượng 1 kg/bịch. Số thịt lợn dù có giấy kiểm dịch nhưng không đúng số lượng và không đúng địa chỉ. Cũng tại cơ sở của bà Thủy còn có 22 kg mỡ và 87 kg da đà điểu không giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

    Đáng chú ý, vào cuối tháng 3, cơ sở của bà Thủy đã từng bị xử phạt 5 triệu đồng vì hành vi sản xuất thực phẩm giả nhưng vẫn tái phạm.

    Hiện cơ quan chức năng niêm phong nhiều tủ đông chứa thịt, bao bì và thùng xốp để phục vụ quá trình điều tra.

    Thông tin trên báo Nông nghiệp, ngày 3/11/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Thủ Đức (TP. HCM) bất ngờ kiểm tra tại một ngôi nhà nằm trên đường 21 thuộc KP.4, phường Hiệp Bình Chánh đã phát hiện các nhân viên đang “chế biến” các loại thịt đặc sản rừng từ thịt lợn nái trộn với tiết lợn để “nhuộm” thành thịt nhím, đà điểu và thịt nai rừng.

    Ông Tài, chủ cơ sở, thừa nhận tại đây hoạt động không có giấy phép kinh doanh, các loại thịt lợn lấy từ chợ Bình Điền không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc đem về sơ chế, cấp đông rồi đóng bao bì, dán nhãn hiệu thành thịt nhím, đà điểu, nai rừng bán ra thị trường.

    Những loại thịt làm giả từ thịt lợn được ông Tài bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành.

    Qua kiểm tra, đoàn phát hiện trong kho lạnh và 4 tủ cấp đông của nhà ông Tài chứa 939 kg thịt được đóng gói với nhãn hiệu “bắp đùi đà điểu”; thịt nhím cắt lát 188 kg; thịt nai 626 kg; 132 thịt heo nguyên liệu.

    Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt cơ sở các lỗi gồm kinh doanh không phép, thịt không rõ nguồn gốc, không giấy chứng kiểm dịch. Cơ quan chức năng quận Thủ Đức cũng đã tạm thời niêm phong tất cả số hàng nói trên đưa vào kho lạnh để điều tra hành vi làm hàng giả, hàng nhái.

    PC49 thu giữ 120 kg thịt đà điểu, thịt nai và thịt bò được làm giả từ thịt lợn.

    Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm

    Thông tin trên báo chí về các điểm kinh doanh thịt thú rừng ở TP.HCM, ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho rằng, hầu hết đây là bán “thịt giả”. Ông giải thích: “Khi bán cho khách hàng thì họ nói đây là thịt lợn rừng, thịt nai, thịt nhím… Nhưng khi bị bắt thì họ nói đây chỉ là thịt lợn nhà, việc thui cho vàng da chỉ nhằm mục đích làm cho thịt ngon hơn. Thực tế, đó chỉ là thịt heo nên chức năng xử lý thuộc về bên cơ quan thú y”.

    Theo ông Cương, điểm chung của những điểm kinh doanh “thịt giả” là mua thịt lợn nái già, giá rẻ về thui vàng da rồi cắt thành những miếng thịt cho giống thịt của con thú này, thú kia.

    Còn theo các nguồn tin từ cảnh sát môi trường, để biến thịt lợn thành thịt thú rừng, các đối tượng kinh doanh chắc chắn phải có “bí quyết” trong việc chế biến. “Có thể họ dùng máu thịt thú rừng hay hóa chất để tẩm ướp vào thịt heo sao cho giống thịt thú rừng nhất. Tuy nhiên, các chất tẩm ướp này là chất gì thì đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào xác định được”, một cảnh sát môi trường, chia sẻ.

    Nhiều cán bộ thú y cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, hầu hết các vụ phát hiện làm thịt giả, cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên liệu là thịt lợn nái không được kiểm dịch còn cách chế biến làm giả thịt ra sao thì vẫn chưa xác định.

    “Hiện nay, các loại thịt thường dễ bị làm giả đó là thịt lợn rừng, thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím… Nguyên liệu để làm các loại thịt này thường là thịt lợn nái già. Thịt lợn này thường mua trôi nổi với giá rẻ để chế biến bán lại giá cao, thu lợi nhiều. Các loại thịt làm giả đều không đảm bảo diều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây độc hại cho người dử dụng”, một cán bộ thú y, nhận định.

    Chia sẻ tại tọa đàm “Ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối”, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho rằng, muốn giải quyết tốt vấn đề thực phẩm bẩn, chỉ kêu gọi trách nhiệm, lương tâm của nhà sản xuất không thì chưa đủ. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng.

    Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP HCM cho biết, metabisulfite là phụ gia dùng để làm trắng, hạn chế ôxy hóa và nấm mốc cho rau củ, quả. Tuy nhiên, metabisulfite cũng như các chất tương tự như natri bisulfite... không được dùng cho thịt vì sẽ phá hủy hết các vitamin trong thịt, nhất là vitamin B1. Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, nếu dùng quá liều lượng cho phép sẽ có nguy cơ gây dị ứng và lên cơn khó thở ở những người bị bệnh hen suyễn. Đối với công nhân tiếp xúc trực tiếp sẽ có nguy cơ gây kích ứng và dị ứng.

    Thông tin trên báo Dân trí, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm chỉ ra: Hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30\% nhu cầu của người dân, số còn lại là từ các tỉnh thành khác chuyển đến hoặc nhập khẩu.

    Mặc dù, lực lượng liên ngành về an toàn thực phẩm đã căng mình thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên do địa bàn quá rộng, hoạt động của các tổ chức, cá nhân sai phạm biến tướng tinh vi nên vẫn còn lọt những sản phẩm không an toàn ra thị trường.

    Ông Hòa khẳng định: "Thực trạng vận chuyển, kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, sử dụng thịt heo để ngâm hóa chất khử mùi, tạo màu, tạo vị đang là vấn nạn đối với sức khỏe người tiêu dùng, là hành vi sản xuất hàng giả vi phạm pháp luật".

    "Chúng tôi kêu gọi cộng đồng, để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình người nội trợ cần quyết liệt thực hiện các biện pháp lên án, tẩy chay các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Chỉ mua và sử dụng những sản phẩm có uy tín, thương hiệu, rõ nguồn gốc, đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép".

    Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết thêm: Để hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng lên bàn ăn của người tiêu dùng, trước mắt ngành y tế thành phố đã kiến nghị UBND thành phố cho phép thành lập một đơn vị quản lý thực phẩm chung có đủ chức năng, quyền hạn để giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến thực phẩm. Thành phố đang nhân rộng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn để quản lý chất lượng từ nông trại đến bàn ăn.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-tinh-trang-len-doi-thit-lon-thanh-thit-thu-rung-bang-hoa-chat-a142079.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan