(ĐSPL) - Mới đây, Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động Hà Tĩnh đã mật phục, bắt giữ 6 xe bồn mang BKS các tỉnh Ninh Bình (35), Nam Định (18), Thanh Hóa (36) chở xi măng quá trọng tải gấp 2 lần đi vào Quốc lộ 15A nhằm “né” trạm cân.
Trước đó, vào ngày 22/7, 6 chiếc xe bồn trên chở xi măng rời từ nhà máy xi măng ở Thanh Hóa vào Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Điều đáng nói, để “né” trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), các xe này có “cò” dẫn đường, chạy lên QL8A, đến ngã ba Lạc Thiện, rẽ theo QL15 chạy về Đồng Lộc để ra QL1. Khi những chiếc xe bồn nói trên đang di chuyển trên QL15A, đoạn qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Ông Nguyễn Trần Toản, Trạm trưởng Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động Hà Tĩnh cho biết, qua cân kiểm tra, phát hiện cả 6 xe đều có tải trọng từ 91 - 96 tấn/xe, quá tải gấp khoảng hai lần tải trọng cho phép và gấp 5,5 - 6,2 lần thiết kế cho phép của tuyến QL15.
Cũng trong ngày 22/7, ngành chức năng của Hà Tĩnh đã phát hiện một số xe bồn chở xi măng rời nằm “né” tại các quán cơm, cây xăng dọc QL 1A đoạn qua xã Xuân Lam, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Hàng loạt xe quá tải xếp hàng "né" trạm cân. Ảnh: internet |
Nhằm "siết" tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, Tổng cục Đường bộ đã bàn giao 63 bộ cân lưu động cho 63 địa phương triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe. Ra quân bắt đầu từ 1/4/2014, đến nay sau hơn 3 tháng thực hiện, vẫn còn quá nhiều vấn đề bất cập xung quanh việc sử dụng các trạm cân lưu động. Bên cạnh khó khăn về trang thiết bị, lực lượng chức năng ở các trạm cân còn "đau đầu" trước những "chiêu thức" đối phó của cánh lái xe. Do công tác siết chặt của lực lượng chức năng, các tài xế xe tải tìm cách lách luật, thậm chí "cò" xe theo đó xuất hiện. Theo đó, một số đối tượng được cho là có “số má” và “quan hệ” với trạm cân đã đứng ra xin cho xe đi qua mà không phải cân. Thế nên mới xảy ra chuyện một đối tượng “cò” đã cố tình vượt trạm cân, khiến ca trực phải truy đuổi rất nguy hiểm trên đường Quốc lộ, cách đây chưa lâu ở tỉnh Thanh Hóa.
Thực tế hiện nay, không chỉ tại Hà Tĩnh, Thanh Hóa mà tại nhiều tỉnh khác, thực trạng “cò” trạm cân diễn ra rất phổ biến. Điển hình như ở tỉnh Phú Yên, từ khi trạm An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên) đưa vào hoạt động đã xuất hiện nhiều đối tượng "lởn vởn" quanh khu vực này để cò mồi tài xế. Theo đó, nếu tài xế chịu chi tiền, "cò" sẽ ghi lại biển số xe, rồi thỏa thuận với nhân viên trạm cân để xe có thể "ung dung" qua trạm mà không gặp phải bất cứ phiền toái nào. Mỗi lượt xe qua trạm cân trót lọt, tài xế phải chung chi cho các đối tượng “cò” từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng, nhiều tài xế thú nhận, không ít lần đã bị “cò” lừa lấy tiền.
Hay như trên tuyến QL 5 đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương, lợi dụng có nhiều tuyến đường tránh qua trạm cân và những thời điểm sơ hở của lực lượng chức năng, rất nhiều “cò” trạm đã thỏa thuận với các lái xe dẫn đường để tránh, vượt trạm cân với số tiền từ 300.000 - 800.000 đồng/xe, tùy theo tải trọng.
Ở nhiều cung đường khác, khi các trạm cân ô tô quá tải tăng cường kiểm tra, các tài xế liên hệ với "cò", chi từ 80 -100.000 đồng/xe, để "cò" dẫn đường cho xe đi hướng khác nhằm “né” trạm. Tuy nhiên, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng "cò" này cũng nhanh chân tẩu thoát.
Tình trạng “cò” trạm ngang nhiên “hành nghề” đã gây ra nhiều hệ lụy và tiêu cực khiến không ít người phải vào tù khi móc nối với các “cò” để “làm tiền” một cách trắng trợn, cho xe trọng tải qua trạm. Khi thực trạng này đã và đang ở mức đáng báo động, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tích cực xác minh, điều tra làm rõ và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp có hành vi vi phạm.