+Aa-
    Zalo

    Báo động tình trạng bắt cóc trẻ em: Gia đình và nhà trường cần làm gì?

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bắt cóc trẻ em, điều đáng nói những đối tượng bắt cóc ngày càng manh động, sẵn sàng làm tổn hại đến nạn nhân nhằm đạt được mục đích. Để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi sự quan tâm sát sao hơn nữa từ gia đình và nhà trường đối với trẻ em, đối tượng mong manh, không có khả năng tự bảo vệ bản thân.

    Những vụ bắt cóc gây rúng động dư luận

    Vụ cựu cán bộ công an bắt cóc bé trai, đòi 15 tỷ tiền chuộc

    Ngày 29/12/2023, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Trung (SN 1992, trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) mức án 20 năm tù về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

    Trung là thủ phạm đã gây ra vụ bắt cóc cháu N.H.P. (sinh ngày 17/6/2016) tại khu đô thị Việt Hưng thuộc phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội).

    Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Trung khai lâm cảnh nợ nần vì vay lãi nặng để đầu tư vào tiền ảo. Số tiền nợ lên đến 6-7 tỷ đồng, chủ nợ thúc ép trả tiền khiến bị cáo lâm cảnh túng quẫn và nảy sinh ý định lên Hà Nội, tìm khu nhà giàu để trộm cắp tài sản. Nhưng do chưa thực hiện được hành vi trộm cắp, Trung đã nảy ý định bắt cóc trẻ em để chiếm đoạt tài sản. 

    Sau khi bắt cóc cháu P. Trung liên tục gọi điện cho gia đình cháu bé để đòi tiền chuộc. Qua trao đổi với mẹ cháu P., cuối cùng Trung chấp nhận mức tiền chuộc mà gia đình chuẩn bị được là 6 tỷ đồng và 300 ngàn USD (tổng cộng hơn 13 tỷ đồng). Thời điểm nhận tiền xong, Trung đã bị lực lượng chức năng truy xét.

    bao dong tinh trang bat coc tre em su quan tam tu gia dinh va nha truong2
    Trong các vụ bắt cóc, có nạn nhân được giải cứu an toàn, nhưng cũng có những nạn nhân thiếu may mắn...
    Ảnh: Dân trí.

    Vụ nữ giúp việc bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi

    Khoảng cuối tháng 9/2023, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội giết người đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Trang là người bắt cóc cháu N.H.T. (2 tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội), sát hại cháu bé, đòi chuộc 1,5 tỷ đồng.

    Tuy nhiên sau khi sát hại cháu bé, Trang cũng đã tự tử, thi thể được phát hiện nổi trên sông Đuống (gần cầu Phù Đổng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). 

    Vụ giả cán bộ y tế bắt cóc trẻ sơ sinh để lừa đối gia đình chồng

    Vào tháng 11/2023, tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương xảy ra một vụ bắt cóc trẻ sơ sinh. Nghi can là Trần Thị Ngọc Thắm (18 tuổi). Thắm đã mặc áo blouse giả là cán bộ y tế vào phòng bệnh, bế một bé gái sơ sinh và nói dối gia đình nạn nhân là đưa cháu bé "đi chích ngừa". Sau đó, khi việc làm sai trái của Thắm bị phát giác, cơ quan chức năng đã ập vào phòng trọ của nghi can, giải cứu cháu bé an toàn.

    Làm việc với cơ quan điều tra, bước đầu Thắm khai đã kết hôn, bản thân bị bệnh u nang buồng trứng, từng sảy thai. Hồi đầu năm, với mong muốn có con và áp lực từ nhà chồng, Thắm nói dối đang mang thai và sinh con vào khoảng tháng 10/2023. Do cô có tạng người mập, giống mang bầu, nên nhà chồng không nghi ngờ.

    Ngày 4/11/2023, Thắm vào Bệnh viện đa khoa Bình Dương đăng ký sinh con để lừa nhà chồng. Tuy nhiên, bệnh viện phát hiện cô không mang thai nên không cho ở lại. Thắm nảy sinh ý định bắt cóc trẻ sơ sinh đem về làm con mình.

    Vụ bạn thân của cha bắt cóc con gái đòi 2 tỷ tiền chuộc ở Long An

    Ngày 4/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Sơn (SN 1989, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

    Sơn là đối tượng bắt cóc bé gái L.M.C (SN 2020), con gái anh Lê Trọng Tuyển (ngụ phường 2, TP Tân An, Long An) để đòi số tiền chuộc 2 tỷ đồng.

    Theo đó, gia đình Sơn và gia đình anh Tuyển chơi chung với nhau khoảng 10 năm, con trai Sơn học cùng trường mầm non với con gái anh Tuyển. Sơn cũng nhiều lần đưa đón bé C giúp gia đình anh Tuyển nên anh Tuyển cũng không mảy may nghi ngờ người bạn thân này.

    Do sa chân vào cờ bạc, cá độ bóng đá, Sơn đã mang một khoản nợ lớn, nên đã nảy sinh ý định bắt cóc cháu C, nhằm đòi tiền chuộc từ bạn thân là bố cháu C. Sau đó, anh Tuyển lần lượt chuyển từ 50 đến 100 triệu đồng cho Sơn. Tổng cộng, anh Tuyển đã chuyển cho Sơn 1 tỷ đồng.

    bao dong tinh trang bat coc tre em su quan tam tu gia dinh va nha truong3
    Hầu hết các đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc đều có tâm lý túng quẫn. Ảnh: VNE

    Chuyên gia nhận định tâm lý nhóm tội phạm bắt cóc

    Chia sẻ với truyền thông, chuyên gia tâm lý tội phạm - TS Đoàn Văn Báu cho biết, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ bắt cóc tống tiền được báo chí, mạng xã hội đăng tải. Hầu như ai cũng tiếp cận được thông tin.

    Nguyên nhân hàng đầu của việc phạm tội là khi một người đang túng quẫn mà gặp hoàn cảnh thuận lợi như được người khác giao con, họ biết gia đình này có nhiều tài sản sẽ nảy sinh ý định bắt cóc. Hành động đó gọi là cơ chế ám thị xã hội.

    Theo TS Báu, dù những người này biết nhiều vụ bắt cóc tống tiền trước đó không thành công, thậm chí người gây án phải tự sát, bị công an bắt nhưng vẫn làm. Họ cho rằng những vụ trước không thành công do người làm sai sót và họ rút được kinh nghiệm.

    "Họ nghĩ muốn có tiền thì phải làm một việc gì đó, việc dễ dàng nhất là bắt cóc. Chính vì vậy mà vẫn có người tiếp tục thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em. Tương tự như cướp ngân hàng, khi xảy ra vài vụ sẽ có những vụ tiếp theo. Đối tượng túng thiếu sẽ nảy sinh ngay ý định đi cướp ngân hàng và hành vi bắt cóc cũng giống như vậy", TS Đoàn Văn Báu phân tích.

    Nguyên nhân thứ hai là do cha mẹ quá dễ dãi khi giao con cho một người nào đó mà chưa biết họ có hoàn cảnh như thế nào, đang gặp khó khăn hay không. Đặc biệt, gia đình thuộc dạng có nhiều tài sản và kẻ xấu biết được điều đó, sẽ dễ nảy sinh ý định bắt cóc. Chúng ta cũng không thể nào lường trước được những tình huống như vậy.

    Theo TS Đoàn Văn Báu, muốn bảo vệ con một cách tốt nhất, việc đầu tiên là nên nhờ những người thân trong gia đình đưa đón con. Phải cảnh giác khi giao con cho một người nào đó.

    Khi giao con cho người thân, người quen hay hàng xóm cũng phải nắm được hoàn cảnh hiện tại của họ như thế nào, có thiếu nợ, túng quẫn, tâm lý bất thường hay không.

    aef
    Gia đình và xã hội cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em, nêu cao tinh thần cảnh giác. Ảnh: An ninh Thủ đô.

    Đồng thời, cha mẹ phải dạy cho con những kỹ năng để phòng chống bắt cóc. Chẳng hạn như phải dạy cho trẻ nhận biết khi bị dẫn dụ đi đâu đó; dạy phương án cầu cứu, báo cho người thân hoặc lợi dụng sơ hở để trốn thoát.

    "Khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường, nghi ngờ bị bắt cóc, cha mẹ phải báo ngay cho cơ quan công an, tránh tự thương lượng với kẻ bắt cóc, vừa nguy hiểm đến tính mạng của con vừa mất tài sản", TS Báu chia sẻ.

    Bên cạnh đó, nhà trường, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học cần có mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh. Quản lý chặt chẽ việc đón trẻ theo nguyên tắc nếu không được sự đồng ý của bố mẹ bất kỳ ai cũng không được đón các bé. Nhà trường cũng cần tập huấn cho lực lượng bảo vệ, thầy cô giáo và trẻ kỹ năng phòng chống bắt cóc.

    Tiến sĩ tội phạm học nêu 9 điều cha mẹ cần dạy các con

    Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trước tình hình các vụ bắt cóc diễn ra phức tạp, qua đây bố mẹ cũng cần gấp rút dạy con phòng tránh bắt cóc. 

    "Cha mẹ cần xây dựng một số nguyên tắc trong gia đình và yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc. Đó là khi muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhất thiết cần báo hoặc xin phép cha mẹ. Nếu trẻ muốn đi chơi xa, nhất thiết phải xin phép cha mẹ từ trước và có kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi. Khi trẻ chờ đợi cha mẹ đến đón ở trường thì cần có một số quy ước. Ví dụ: nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì có một mật mã để trẻ có thể trao đổi với người đón hộ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ mà bắt cóc trẻ để buôn bán. Cha mẹ dặn con tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ. 

    Nếu có ai đó cần giúp đỡ, yêu cầu trẻ phải chạy đi báo cho các chú công an, cảnh sát hoặc người lớn đến giúp chứ trẻ không trực tiếp tham gia giúp đỡ vì trẻ chưa đủ khả năng này. Trẻ cần thuộc các số điện thoại của những người gần gũi nhất như mẹ, bố, ông, bà, anh chị em… Trong trường hợp cần thiết, trẻ tìm cách liên lạc ngay với người thân để có thể được trợ giúp. Trẻ không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng hoặc khi thấy có tai nạn hay sự cố trên đường. Khi thấy có đám đông tụ tập, các em nên nhanh chóng trở về nhà thay vì đứng lại để ngóng xem. 

    Đi chơi, trẻ nên đi cùng nhóm bạn độ 3, 4 người. Tuyệt đối tránh những nơi quá đông người hoặc quá vắng vẻ. Tránh nơi có nước; không cho phép trẻ một mình ra ngoài đường khi trời tối; không cho ai động chạm vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo mình, lập tức đi về phía công an và nhờ đưa về nhà. Nếu trên đường không có công an thì chọn 1 bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi. Hét thật to và vùng bỏ chạy", TS Thu Hương chia sẻ.

    bao dong tinh trang bat coc tre em su quan tam tu gia dinh va nha truongjpg4
    Cha mẹ cần dạy con những biện pháp cần thiết để tự bảo vệ. Ảnh: Dân trí.

    Tiến sĩ tội phạm học - Bộ Công an, Thượng tá Đào Trung Hiếu, đánh giá thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con em mình 9 cách sau để có thể tự bảo vệ bản thân trong những trường hợp cấp bách:

    • Cha mẹ cần chia sẻ với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp. 
    • Dạy cho trẻ biết "những người lạ có thể tin tưởng", gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường. 
    • Trẻ khi biết nhận thức phải dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người "những người lạ có thể tin tưởng".
    • Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc. 
    • Dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô: "bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với". 
    • Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của tên bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. 
    • Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc. 
    • Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi 1 mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113), để khi cần có thể liên lạc được. 
    • Triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo.

    Hành vi bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; tùy theo mục đích, tình tiết thực hiện hành vi phạm tội. Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định là người nào có hành vi bắt cóc trẻ em tùy theo mục đích tình tiết thực hiện hành vi phạm tội mà có thể cấu thành những tội danh sau đây:

    • Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo điều 153;
    • Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điều 169:
    • Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo điều 151;
    • Tội bắt cóc con tin theo quy định điều 301

    Theo đó, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 2 - 20 năm tù hoặc chung thân. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-tinh-trang-bat-coc-tre-em-gia-dinh-va-nha-truong-can-lam-gi-a606480.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan