Là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hồ Dầu Tiếng, nằm ở địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương chính là hồ nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết, chống ngập úng mùa mưa, phân phối nước mùa khô.
Hơn nữa, nguồn nước ở đây còn được dẫn qua sông Sài Gòn trước khi đi vào những nhà máy lọc nước như Tân Hiệp (Hóc Môn) để cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu cư dân trong thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù có ý nghĩa to lớn như vậy nhưng thực tế, hồ Dầu Tiếng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do những hộ dân cư chiếm giữ lòng hồ làm nơi chăn nuôi, trồng trọt cũng như xả thải xuống môi trường trong thời gian dài khiến dư luận rất búc xúc.
Khi mặt nước bị xâm chiếm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, mặc dù đang trong quá trính tích nước mùa mưa nhưng tình trạng ô nhiễm cục bộ ở nhiều nơi trên mặt hồ Dầu Tiếng vẫn diễn ra khá phức tạp. Cụ thể là, hiện nay hồ Dầu Tiếng đang trở thành nơi chăn nuôi thủy hải sản lớn của hàng trăm hộ dân trong vùng, sinh sống ven lòng hồ. Đó là những hộ dân tìm cách phân lô, xây dựng những lồng bè nhân tạo ở trên mặt nước hồ để chăn nuôi. Những hệ lụy của tình trạng này là rất nhiều những chất thải do hàng trăm con người sinh sống được xả thẳng ra lòng hồ cũng như các loại hóa chất dùng trong chăn nuôi khác. Điều đáng nói nữa là hầu hết những lồng cá bè này lại xuất hiện ở những khu vực vùng sâu, vùng xa của lòng hồ Dầu Tiếng, tới thượng nguồn Bình Dương, Bình Phước khiến cơ quan chức năng nhiều lúc không nắm bắt kịp thời. Theo ý kiến của một số hộ dân ở ven lòng hồ đoạn đi qua địa bàn huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) thì hiện nay, hàng trăm đàn vịt, lồng cá chìm, nổi của người dân đang được chăn nuôi ở quanh khu vực mấy chục cây số đường bờ bao của hồ Dầu Tiếng. Đó là chưa kể mỗi ngày, luôn có hàng trăm người khác làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên lòng hồ. Do số lượng người tham gia khai thác quá đông nên những phương thức đánh bắt hủy diệt, hủy hoại môi trường nước như thuốc nổ, chất độc cũng được nhiều người sử dụng khiến lòng hồ càng thêm ô nhiễm. Ngoài ra, việc đánh bắt bừa bãi không kiểm soát cũng làm cho sự đa dạng của hệ sinh thái môi trường nước ven hồ Dầu Tiếng bị suy giảm nghiêm trọng mặc dù hàng năm, chính quyền các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thường xuyên tổ chức thả các loài thủy sinh vật như tôm, cá cua, ốc xuống lòng hồ để tăng sự đa dạng sinh học và duy trì môi trường tự nhiên bền vững trong khu vực lòng hồ.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những nguyên nhân mà hồ Dầu Tiếng phải đối mặt bởi tình trạng khai thác cát tràn lan ở ven hồ đã đến mức báo động khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái nước trong hồ. Ở đó, những khu vực lòng hồ bị biến động mạnh và đất đai lòng hồ cũng bị xâm phạm. Tình trạng khai thác cát này khiến cho ô nhiễm kim loại và những khoáng chất trong lòng hồ trở lên trầm trọng hơn. Cá biệt, hiện nay còn xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân cư ở vùng thượng nguồn tiến hành san lấp, biến lòng hồ thành khu vực đất đai để chăn nuôi, sinh hoạt gây lên nhiều búc xúc trong dư luận.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Phòng Quản lý nước và công trình Công ty Dầu Tiếng cho biết thì chất lượng nước lòng hồ Dầu Tiếng đang có nguy cơ ngày càng xấu do bị chất thải từ các hoạt động sản xuất của cư dân ven bờ tấn công. Hiện ven hồ có rất nhiều nhà máy sơ chế mủ cao su, chế biến khoai mì xả nước thải vào lòng hồ. Bên cạnh đó, tình trạng nuôi cá bè, chăn nuôi heo ở những cù lao cũng xả nước thải trực tiếp ra hồ, nhất là khu vực thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Bên cạnh đó, ông Lanh cũng cho rằng, việc nhiều cánh rừng ở vùng thượng nguồn Bình Phước bị khai thác tràn lan, biến thành những rừng cao su cũng khiến cho mức độ nguồn nước ở lòng hồ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Cụ thể, khi mất đi những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn coi như một bộ lọc nước ở đó đã không còn mà những khu rừng cao su mọc lên, những công đoạn chế biến, khai thác mủ cao su cũng gây ô nhiễm nặng nề ở khu vực đó.
Có thể khẳng định, tình trạng ô nhiễm ở lòng hồ Dầu Tiếng không chỉ mới diễn ra gần đây mà nó đã bắt đầu gây bức xúc trong dư luận từ khá lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp khả thi nào để khắc phục và ngăn chặn tình trạng này. Hậu quả là, hàng chục triệu người dân ở dưới vùng hạ lưu sông Sài Gòn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì rất nhiều người dân ở dưới hạ lưu sinh sống dựa vào nguồn nước của con sông này. Đó là chưa kể một số nhà máy ở Tân Hiệp (Hóc Môn) hay nhà máy nước Thủ Đức cũng đang chuẩn bị lấy nước ở sông Sài Gòn để xử lý, đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc ô nhiễm trầm trọng chất lượng nguồn nước ở lòng hồ Dầu Tiếng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho những hộ dân hạ lưu.
Chung tay cứu lấy lòng hồ
Có thể nói, hậu quả của tình trạng ô nhiễm hồ Dầu Tiếng có ảnh hưởng rất lớn tới những cư dân sinh sống trong lòng hồ và ven sông Sài Gòn, con sông duy nhất mà hồ này xả nước. Vì vậy, những biện pháp cấp bách cũng cần phải được triển khai để cứu lấy môi trường sinh thái hồ Dầu Tiếng trước khi sự việc trở lên trầm trọng hơn.
Theo đó, việc tập trung xử lý nghiêm những vi phạm trong lòng hồ của người dân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thực tế đây là công việc khó khăn vì đa phần những hộ dân vi phạm đều là người nghèo, họ coi việc đánh bắt thủy sản, chăn nuôi cá lồng trong hồ Dầu Tiếng là sinh kế nên những biện pháp xử phạt cần phải đi liền với việc tạo thêm việc làm cho hộ dân này. Ngoài ra, theo ý kiến của những người dân sinh sống quanh khu vực hồ Dầu Tiếng thì không chỉ mùa mưa, ngay cả mùa khô, mức độ ô nhiễm ở khu vực lòng hồ cũng diễn ra khá phức tạp. Khi ấy, tức là mực nước đã được rút đi, hàng ngàn héc-ta đất ven lòng hồ đều được người dân lấn chiếm, trồng những loại cây nông nghiệp mà điển hình nhất là khoai mì. Vì vậy, khi mùa nước về, những khu vực này bị chìm trong nước và rất nhiều chất thải, ô nhiễm môi trường ở những khu vực trồng trọt này sẽ tan vào lòng hồ, là nguyên nhân gây thêm sự ô nhiễm trong lòng hồ. Hơn nữa, tại một số hòn đảo ở trong lòng hồ như đảo Nhím (thuộc địa bàn xã Dương Minh Châu, Tây Ninh) mà trước kia có hàng ngàn hộ dân sinh sống nhưng sau khi hồ được quy hoạch, chính quyền địa phương đã có kế hoạch di dời nhưng rất nhiều hộ vẫn tiếp tục ở lại. Thế là, tất cả những sinh hoạt và lượng chất thải của những hộ dân trên đều được xả thẳng ra lòng hồ, khiến cho lòng hồ như một khu vực chứa chất thải vậy. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, không gì khác ngoài việc phải xử lý những vi phạm trên. Ngoài ra, việc giáo dục ý thức của người dân cũng hết sức quan trọng như trường hợp những người khai thác thủy sản trên mặt nước lòng hồ vậy. Vẫn viết rằng, thủy sản hàng năm được thả xuống lòng hồ và chính quyền địa phương cho phép người dân được đánh bắt để ổn định sinh kế nhưng những hộ dân đó cần có những phương pháp khai thác giữ gìn môi trường, để cho hệ sinh thái tự nhiên trong lòng hồ được phát triển bền vững, tránh tình trạng đánh bắt hủy diệt như vừa qua.
Có thể nói, khi mà nguồn nước ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm trầm trọng, việc giữ gìn nguồn nước ở hồ Dầu Tiếng được trong sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu của người dân ven hồ và vùng hạ lưu là hết sức cần thiết, cần sự chung tay của tất cả mọi người. Hi vọng, thời gian tới, hồ Dầu Tiếng sẽ là nguồn nước sạch, an toàn cung cấp cho người dân.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thong tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
Hot line: : 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Đoàn Đại Trí
Video có thể bạn quan tâm:
Gian nan 'cuộc chiến' chống chuyển giá
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-o-nhiem-ho-dau-tieng-a67251.html