+Aa-
    Zalo

    Báo chí quốc tế viết về chuyến thăm lịch đến Việt Nam của tàu sân bay Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Truyền thông quốc tế dành sự chú ý đặc biệt tới “chuyến thăm lịch sử” của nhóm tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng, Việt Nam...

    Truyền thông quốc tế dành sự chú ý đặc biệt tới “chuyến thăm lịch sử” của nhóm tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng, Việt Nam và nói rằng sự kiện này giúp tăng cường hợp tác quốc phòng hai nước.

    BBC hôm 5/3 đăng bài “Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson trong chuyến thăm Việt Nam lịch sử”. Theo đó, bài báo nhận định, nhóm tàu sân bay Mỹ đang thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và đây là lần đầu tiên một chiếc tàu cỡ này ghé thăm kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc.

    Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Hải quân Mỹ.

    Tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ neo đậu ở thành phố cảng Đà Nẵng của Việt Nam, nơi quân đội Mỹ lần đầu tiên đổ bộ trong cuộc chiến ở Việt Nam và địa điểm được lựa chọn rõ ràng mang tính biểu tượng cao. Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ nhằm cho thấy mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng được cải thiện.

    Tờ Telegraph đưa tin, chuyến thăm đến Việt Nam của tàu Carl Vinson nằm trong khuôn khổ đợt diễn tập ứng phó thảm họa đa quốc gia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đồng thời là nỗ lực xác nhận sự hiện diện và cam kết của Mỹ trong khu vực.

    Tờ New York Times dẫn lời Đô đốc John V. Fuller cho hay, chỉ huy nhóm tấn công Carl Vinson, người có cha từng là lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam nói: “Đây là một bước tiến khá lớn và mang tính lịch sử vì một chiếc tàu sân bay như vậy đã không đến đây trong suốt hơn 40 năm qua”.

    Đô đốc Fuller cũng khẳng định chuyến thăm của tàu Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng khẳng định đường lối mà Mỹ luôn theo đuổi, đó là “thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.

    Tờ báo nhắc lại thực tế rằng nhiều tàu chiến Mỹ đã ghé thăm Việt Nam kể từ tháng 11/2003, khi tàu hộ tống USS Vandegrift lần đầu tiên cập cảng Việt Nam sau chiến tranh. Tuy nhiên, chuyến thăm của tàu sân bay thuộc về "một cấp độ khác", đặc biệt là khi nó diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh trên Biển Đông nói riêng và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung đang có những diễn biến phức tạp.

    Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện hải quân tích cực ở Đông Nam Á, trong nỗ lực nhằm đảm bảo Biển Đông luôn "mở và tự do" bởi đây là nơi luồng hàng hóa thế giới trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm.

    Các tàu chiến Mỹ trong những năm qua cũng thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Dù không phải là một bên tranh chấp tại khu vực này, Mỹ luôn nhấn mạnh sự hiện diện hải quân trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, bảo vệ những điều kiện hòa bình, ổn định đã được hình thành và duy trì từ sau Thế chiến II.

    "Đó là môi trường ổn định để bạn có thể thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Fuller nói. "Tôi cho rằng chúng tôi đã góp phần tạo ra môi trường đó để tạo điều kiện cho 70 năm tăng trưởng của khu vực".

    Hãng tin Reuters có bài viết nhận định, chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau khi chiến tranh kết thúc là một biểu tượng mạnh mẽ của mối quan hệ chiến lược đang gia tăng giữa hai nước.

    Tờ WSJ thì đánh giá chuyến thăm này của tàu Carl Vinson đánh dấu "mức cao nhất trong quan hệ Việt – Mỹ" suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời coi đây là "thắng lợi" của Mỹ trong nỗ lực duy trì hiện diện và ảnh hưởng về kinh tế, quân sự tại Đông Nam Á.

    Theo hãng tin UPI, Mỹ coi chuyến thăm này là cơ hội quý giá để tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam giải quyết những vấn đề chung mà hai nước và cả khu vực đang đối mặt, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và tự do hàng hải.

    Tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

    Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẵng giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục phát những tín hiệu lặp đi lặp lại về mong muốn phát triển mối quan hệ an ninh với Việt Nam như là một phần trong các mối quan hệ chính trị và quân sự để kiểm soát những vấn đề phát sinh trong khu vực.

    Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ được tăng cường từ năm 2016, khi ông Obama quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Dưới thời Trump, quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước tiếp tục phát triển, mặc dù Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

    Trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 11/2017, ông Trump đã đề cập đến khả năng bán tên lửa và các tổ hợp vũ khí hiện đại cho Việt Nam. Một tháng sau, Chiến lược An ninh Quốc gia do chính quyền Trump công bố coi Việt Nam là "đối tác hợp tác hàng hải". Đến tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam, đặt nền tảng cho chuyến thăm Đà Nẵng của tàu Carl Vinson.

    Reuters nhận định điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho hợp tác quân sự Việt – Mỹ, trong bối cảnh Hà Nội cần nhiều nguồn lực để bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, an toàn hàng hải.

    GIA BẢO(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-chi-quoc-te-viet-ve-chuyen-tham-lich-den-viet-nam-cua-tau-san-bay-my-a221520.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan