Năm nay lượng bánh Trung thu tiêu thụ khá chậm, vì thế hàng loạt cửa hàng, đại lý đã tìm cách giảm giá, bán tháo, đặc biệt sau ngày rằm. Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt câu hỏi về một lượng lớn bánh Trung thu còn thừa, ế trên thị trường sẽ đi đâu? Việc giám sát để tiêu hủy, thu gom lượng bánh này sẽ như thế nào.
Tìm cách bán tháo hàng ế
Chỉ 1 ngày sau lễ rằm Trung thu, hàng loạt cửa hàng bày bán bánh Trung thu trên các tuyến phố như Phố Huế, Lò Đúc, Hàng Bài, Bà Triệu, Lê Văn Lương, Trương Định... đều đã treo biển giảm giá để giải phóng hàng tồn.
Ghi nhận của phóng viên trưa ngày 9/9 tại một cửa hàng bán bánh Trung thu Kinh Đô trên đường Bà Triệu đang treo biển: “Đại hạ giá”. Tuy nhiên, ở đây không còn chiếc bánh nào thương hiệu Kinh Đô nữa, mà chỉ có những loại bánh đóng gói trơn, không ghi đơn vị sản xuất trên bao bì.
Bánh nướng loại nhỏ được bán đổ đồng giá: 15.000 đồng, bánh to 20.000 đồng, bánh dẻo hình cá: 10.000 đồng...
“Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về lượng bánh tồn. Việc báo cáo này sẽ phải hoàn tất trước ngày 20 Âm lịch”. Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội: Hồ Quốc Khánh |
Khi được hỏi mua bánh Trung thu của nhà sản xuất Kinh Đô, nhân viên cửa hàng cho biết: “Hãng đã thu hồi bánh từ mấy tiếng trước rồi, còn việc nhà sản xuất vận chuyển bánh về đâu cửa hàng không rõ”.
Tại một số cửa hàng bánh treo biển “hạ giá” trên phố Trương Định, nhiều loại bánh Trung thu được giảm giá từ 48.000 đến 56.000 đồng/chiếc xuống chỉ còn 8.000 đồng/chiếc.
Trong ngày 9/9, các nhà sản xuất bánh Trung thu có thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hải Hà... cũng đã bắt đầu thu hồi các sản phẩm còn tồn trên thị trường.
Tại các cửa hàng, các đại lý, nhân viên các hãng đã dỡ vỏ hộp hoặc bán hộp cho đồng nát, còn bánh được đóng vào các hộp vuông, chờ xe tải đến chở về kho. Lần theo một xe tải của Hải Hà Kotobuki, chúng tôi có mặt tại kho bánh Trung thu của công ty này trên phố Trương Định.
Trong vai một nhóm từ thiện, chúng tôi đặt vấn đề mua thanh lý bánh Trung thu tồn với số lượng lớn, thì được một nữ nhân nhân viên cho biết: “Lượng bánh tồn sau ngày rằm được thu về sẽ phát cho cán bộ, công nhân viên công ty sử dụng. Phần còn lại sẽ gửi cho các cơ sở làm từ thiện. Chúng tôi không giảm giá, không bán bánh còn tồn ra ngoài”.
Theo nữ nhân viên này, đây là chính sách giữ giá, giữ thương hiệu cho sản phẩm bánh Trung thu của nhà máy trong các mùa sau. Khi chúng tôi hỏi, nếu lượng bánh tồn quá nhiều thì sẽ được xử lý ra sao?
“Thường lượng bánh sản xuất đều được căn cứ trên nhu cầu của thị trường hàng tuần. Nếu bán được nhiều thì làm nhiều chứ không phải làm hàng loạt để sẵn đấy”, nữ nhân viên giải thích.
Tại kho hàng tập kết bánh kẹo ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), hàng loạt xe tải đang lần lượt tập kết để thu gom bánh tồn từ các cửa hàng về. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua với số lượng lớn bánh Trung thu tồn mang hiệu Kinh Đô, đại diện quản lý kho hàng ở đây nói: “Nếu lấy với số lượng lớn trên 100 hộp có thể được thanh lý, giảm 20\%”. Vị đại diện này cũng cho hay, các loại bánh Trung thu tồn sau ngày rằm cần phải được tiêu thụ sớm.
“Vì tất cả bánh Trung thu, kể cả sản xuất từ 8/9 cũng chỉ có hạn đến ngày 13 hoặc ngày 15/9. Đến hạn này không lấy, chúng tôi sẽ tiêu hủy toàn bộ bánh”, vị này nói.
Ai giám sát bánh Trung thu ế?
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y Tế Hà Nội cho biết, thực tế năm nay các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu ít hơn mọi năm vì vậy lượng hàng tồn sau ngày rằm không còn nhiều. “Sau ngày rằm, chúng tôi sẽ giám sát các sản phẩm trên thị trường. Các loại bánh Trung thu quá hạn sử dụng sẽ không được phép bày bán, cơ sở nào bày bán bánh quá hạn sử dụng sẽ bị xử lý ngay”, ông Cường nói.
Đại diện Sở Y tế cũng cho rằng, do sản xuất bánh theo thời vụ nên ngoài các cơ sở sản xuất lớn, có thương hiệu thì đến gần Tết Trung thu xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh thủ công, nhỏ lẻ khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng sản xuất bánh Trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc hay sản xuất bánh chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà chưa ghi ngày sản xuất nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “Đối với vấn đề sản xuất, hiện nay chúng tôi đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về lượng bánh tồn. Việc báo cáo này sẽ phải hoàn tất trước ngày 20 Âm lịch”.
Theo ông Khánh, thường lượng bánh Trung thu tồn, ế sau ngày rằm Trung thu sẽ được các cơ sở sản xuất tìm cách giải phóng bằng nhiều cách. “Hàng tồn có thể được họ bán đại hạ giá cho người có nhu cầu hoặc có nơi mang đi các tỉnh bán với giá rẻ. Việc này họ được quyền, nếu sản phẩm còn hạn sử dụng. Còn việc thu hàng tồn về để tái chế biến thành sản phẩm khác thì tôi nghĩ không có đâu”, ông Khánh phân tích.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng thừa nhận, không thể giám sát được việc các cơ sở sản xuất thanh lý và tiêu hủy bánh Trung thu ế.
“Các cơ quan chức năng chỉ xử lý hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng quá đát, quá hạn sử dụng ghi trên bao bì. Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đang tự kê khai và tự chịu trách nhiệm việc xử lý, tiêu hủy bánh Trung thu tồn không tiêu thụ được”, vị cán bộ này nói.