Lựa chọn "Bánh mì" làm trang phục dân tộc tại Miss Universe 2018, H'Hen Niê đã gây ra những tranh cãi trái chiều gay gắt của cộng đồng mạng.
Ngày 21/11, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê đã chính thức công bố trang phục được lựa chọn để tham dự trang phục dân tộc tại Miss Universe là "Bánh mì".
"Bánh mì" sẽ là trang phục dân tộc của H'Hen Niê tại Miss Universe 2018. |
"Bánh mì" do NTK Phạm Phước Điền thực hiện dựa trên cảm hứng về một món ăn hết sức quen thuộc với người dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một món ăn Việt Nam được tái hiện và sáng tạo thành một bộ trang phục dân tộc, thiết kế “Bánh mì” của Phạm Phước Điền ngay từ vòng nộp hồ sơ đã gây sốt với khán giả.
Ekip của H'Hen Niê cho biết, "Bánh mì" là thiết kế được đánh giá cao về tính đột phá ý tưởng. Sau khi được ban giám khảo góp ý, cũng như nhận được nhiều lời nhận xét, bình luận từ khán giả, "Bánh mì" được chỉnh sửa theo hình ảnh mới phù hợp với H’Hen Niê hơn và mang đậm bản sắc Việt.
Tuy vậy, công bằng mà nói thì không phải tự nhiên mà "Bánh mì" lại gây tranh cãi gay gắt đến thế! Từ trước tới nay, ngoài áo dài, các người đẹp Việt cũng có nhiều sự lựa chọn khác như bộ trang phục chiến binh của Hà Thu tại Miss Earth 2017, trang phục dân tộc H'Mông tại Miss Tourism Queen International 2018 hay "Nàng Mây" của Lệ Hằng tại Miss Universe 2017... Vậy nhưng, hầu hết những bộ trang phục này đều nhận được lời khen ngợi, ý kiến tiêu cực xuất hiện rất ít, vậy tại sao đến lượt "Bánh Mì" phá cách, tranh cãi lại trở nên gay gắt đến vậy?
Thứ nhất, nếu như nói bánh mì là một loại ẩm thực đặc sắc của Việt Nam thì không sai. Vậy nhưng, để bánh mì làm đại diện thì liệu có ổn không? Cư dân mạng đã có người phản ánh: "Việt Nam không trồng ra lúa mì, lại lấy bánh mì làm trang phục dân tộc?". Còn Hoa hậu Thu Hoài cũng rất thẳng thắn nhận định H'Hen Niê đã có một lựa chọn sai lầm.
Thu Hoài viết: "Bánh mì không bao giờ có thể đại diện cho nền văn hoá Việt Nam và càng xa xỉ hơn nếu đặt cho nó cái tên quốc phục. Nó chỉ là một sáng tạo có phần độc đáo, lạ lùng, chứ rất khó làm tốt vai trò trợ giúp em toả sáng trên một sân chơi quốc tế.
Chưa nói tới việc nó không thể tôn lên vóc dáng, đường nét hay thần thái của em, sự phối kết hợp giữa các món đồ thậm chí còn kéo lùi nhan sắc của em xuống thấp hơn.
Làn da nâu, mái tóc tém kết hợp với chiếc nón lá và ổ bánh mì xếp xung quanh sẽ tạo ra hình tượng gì hả em?
Chắc chắn không giống hình tượng của một người đẹp Việt Nam cho được. Ít nhất đối với Hoài là như thế!".
Những gì Thu Hoài nhận định thực sự đã đánh trúng nhiều vấn đề mà "Bánh mì" gặp phải. Không cần phải có con mắt chuyên môn để thấy rằng "Bánh mì" không có được sự tinh tế, tỉ mỉ mà những bộ trang phục dân tộc trước kia của các đại diện Việt Nam vốn làm rất tốt.
"Bánh mì" giấu đi hết những đường cong hình thể đẹp mắt của H'Hen Niê. Đồng ý là nếu như muốn nhấn vào ý nghĩa truyền thống, nét đẹp hình thể có thể gác qua một bên, nhưng đó là khi thiết kế mang tính truyền thống kia đẹp mắt và hài hòa.
"Bánh mì" nhận nhiều lời nhận xét "kém sang", "kém tinh tế". |
Với "Bánh mì", người hâm mộ thực sự quan ngại về tạo hình chiếc bánh mì không mấy đẹp mắt chen chúc nhau hòa cùng với màu da ngăm của H'Hen Niê. Chiếc nón nhỏ xíu trên đầu nàng hậu cũng không khiến tác phẩm này được cứu vãn chút nào bởi nó khiến H'Hen Niê lọt thỏm vào giữa một đống hình thù kỳ quái.
Điều đáng tiếc là H'Hen Niê và ekip của cô có nhiều sự lựa chọn không tồi trong số 6 thiết kế được mang ra bình chọn, nhưng cuối cùng "Bánh mì" lại trở thành tác phẩm thắng cuộc.
Đúng như Hoa hậu Thu Hoài đã nói, trang phục dân tộc "không chỉ có mỗi sứ mệnh làm đẹp cho Hen, mà nó còn mang theo nhiều ý nghĩa hơn như thế rất nhiều. Đừng quên bộ trang phục đó còn có chữ "dân tộc" phía sau và nó đại diện phần nào cho trình độ, văn hoá của hàng chục triệu con người".
Trên thực tế, ngoài H'Hen Niê, có không ít người đẹp cũng đã gây khó hiểu cho người hâm mộ bởi sự lựa chọn của mình trong phần thi trang phục dân tộc ở nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế.
Nếu như "Bánh mì" gây ra không ít tranh cãi với người hâm mộ Việt, thì khi Yuumi Kato - đại diện Nhật Bản tiết lộ về trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018, tất cả cũng không khỏi sửng sốt. Kato đã chọn trang phục Sailor Moon (Thủy thủ mặt trăng) để trình diễn ở Miss Universe.
Hoa hậu Nhật chọn đồng phục Thủy thủ Mặt Trăng làm trang phục truyền thống. |
Thủy thủ mặt trăng là nhân vật truyện tranh và hoạt hình quen thuộc, được yêu mến trên toàn thế giới. Nhân vật còn được xem là sứ giả của tình yêu và công lý. Về mặt ý nghĩa, đây là bộ trang phục được đánh giá cao nhưng vẫn không khỏi có ý kiến cho rằng nó quá đơn giản về mặt thiết kế, là một bộ đồ mà ai cũng dễ dàng có được chứ không phải mang đi dự thi.
Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017, quốc phục của Nhật Bản giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất. Thiết kế được đánh giá cao khi có thể biến thành thành hai kiểu trang phục khác nhau, ban đầu là trang phục nữ ninja nhưng ngay sau đó biến hóa thành bộ Kimono cách tân.
Tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2017, Alisson Abarca - thí sinh người El Salvador đã mang bộ trang phục "chèo thuyền" đến với cuộc thi. Thực sự là một tác phẩm gây khó hiểu về phương pháp di chuyển. |
Cũng tại Miss Universe 2017, thí sinh Samantha James, Hoa hậu Hoàn vũ Malaysia 2017 mang tới cuộc thi bộ trang phục dân tộc kết hợp giữa lá chuối, thìa nĩa và món trứng ốp-la in chính giữa chiếc váy dạ hội. Khán giả khó lòng mà hiểu được độ liên quan và tính biểu tượng của bộ trang phục này! |
Thí sinh Nashaira Balentien, Hoa hậu Hoàn vũ Curacao 2017, lại hóa thân vừa thành một cô dâu vừa là chiếc bánh cưới luôn thể. Mặc dù ý tưởng của chiếc váy khá hay ho, nhưng người xem chẳng hiểu tính "dân tộc" nằm ở đâu? |
Vi An (T/h)