(ĐSPL) - Khi thấy động ở bệnh viện này, chúng chuyển ngay sang bệnh viện khác. Nếu “êm”, chúng hoạt động liên tục từ 3 – 4 ngày, sau đó luân phiên sang các bệnh viện khác. Cứ thế, chúng xoay “tour” hoạt động đạo chích. Nếu “diễn ra tốt đẹp”, có ngày chúng kiếm vài chục triệu đồng là thường.
Ai tổ chức, phân công hoạt động?
Những ngày “ăn nằm” ở bệnh viện Bình Dân (đường Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP.HCM), PV báo ĐS&PL chứng kiến một vụ móc túi chiếc iPhone 5S nhanh như chớp mắt. Dù là người đi “rình” trộm, móc túi... nhưng PV cũng không ngờ các đối tượng này ra tay nhanh như vậy. Lúc đó, khi PV vừa lên lầu 1, khu Kỹ thuật cao của bệnh viện Bình Dân, thì một đối tượng nam giới vượt mặt qua rất nhanh, chuồn xuống theo lối cầu thang bộ với dạng nghi vấn. Dù không quan sát được gương mặt, nhưng có thể xác định đó là một nam thanh niên, trạc trên 30 tuổi. Tên này “tháo chạy” đã để lại khổ chủ là một nữ thanh niên đang hoang mang. Chị này cho biết, đang lúc chen vào để lấy kết quả thì thấy có một người nào đó chạm vào mình. Tưởng là do chen lấn nên cũng không để ý gì, thế những khi lấy được kết quả, quay trở ra định lấy điện thoại gọi cho người thân, thì mới hay mình bị móc túi. “Cũng may mắn là mới chỉ mất chiếc điện thoại iPhone 5, chứ chưa bị mất bóp, trong đó có một số tiền mang từ quê lên để khám bệnh”, chị này nói. Sau khi bị mất điện thoại, chị chỉ biết chia sẻ với người hộ lý, rồi lặng lẽ ra về mà không hề đến báo công an khu vực hay lãnh đạo bệnh viện. Đây cũng là điều thiệt thòi, vì chẳng may, lúc nào đó, lực lượng chức năng bắt được tên tội phạm và còn tài sản đó thì cũng không biết chủ là ai?
Đây chỉ là một trong rất nhiều phi vụ mà các đối tượng, băng nhóm chuyên trộm cắp tài sản, móc túi... thực hiện tại bệnh viện Bình Dân và các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố thời gian qua. Theo ghi nhận của PV, tại các bệnh viện lớn như Bình Dân, Chợ Rẫy, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình TP.HCM... có nhiều đối tượng hàng ngày tụ tập, tìm cơ hội để ra tay. Những ngày ở các bệnh viện này, PV thấy “quen” một số gương mặt. Có lẽ biết được có người đang “rình mò” nên một trong số đó đã lại bắt chuyện với PV như để thăm dò tình hình theo những câu hỏi xã giao của những người đi khám bệnh. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Thanh, Phụ trách đội Bảo vệ bệnh viện Bình Dân, người có “thâm niên” trong nghề trên 20 năm cũng cho biết: “Có nhiều đối tượng “lang thang tìm cơ hội” tại bệnh viện Bình Dân chúng tôi đều có thể nắm được, biết mặt. Tuy nhiên, để “cất vó” chúng thì không dễ chút nào”.
Cũng theo ông Thanh, nếu như chúng lân la đến trước cổng thì anh em bảo vệ hay lực lượng bảo vệ tổ dân phố của công an phường mà biết mặt thì “đuổi khéo” đi nơi khác. Còn để chúng lọt vào trong khuôn viên không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thông thường thì chúng hay đi theo nhóm ba – bốn người, sau đó dàn cảnh, có cảnh giới... tiếp cận con mồi rồi ra tay. Tương tự, tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, ông Huỳnh Ngọc Thành, Đội trưởng đội Bảo vệ với 31 năm kinh nghiệm cũng cho biết, thông thường, chúng chia thành mỗi nhóm 3 – 4 người, hoạt động liên tục trong ngày. Một nhóm “phụ trách” một bệnh viện, cứ thế xoay vòng hoạt động. Nếu “động” ở chỗ này là chạy sang chỗ khác ngay. Theo quan sát của PV, thì các bệnh viện trên, chúng thường chọn thời điểm là buổi sáng sớm, khi có người bệnh từ các nơi đổ về thăm khám, điều trị.
Đến gần trưa, một số đối tượng “chạy ra” bệnh viện Ung Bướu để hoạt động, vì đây là thời điểm phát cơm từ thiện, có đông người chen lấn cũng là thời cơ để chúng ra tay. Dù đã được cảnh báo, nhưng một khi chúng dàn cảnh thì con mồi khó có thể thoát được. Ví như, chúng đóng giả thành người thân, hoặc người khám bệnh trà trộn vào trong khuôn viên bệnh viện để tìm con mồi.
Đây là những nơi thường được các đạo chích chọn để ra tay. Ảnh chụp tại bệnh viện Bình Dân. |
Khi kẻ trộm nhập vai... bệnh nhân
Khi chấm được con mồi, chúng tìm sự sơ hở của con mồi rồi ra tay. Khi đó, chúng thường lợi dụng lúc con mồi chen lấn nơi đông người, nhất là trước cửa phòng khám, phòng xét nghiệm, siêu âm hay chờ kết quả... để ra tay. Khi đó, một đối tượng sẽ đứng cảnh giới, một đối tượng áp sát làm động tác giả, và đối tượng còn lại ra tay. Thực hiện xong, chúng tìm cách chuyền tang vật, rồi chuồn êm, di chuyển sang khu vực khác, hoặc chuyển sang bệnh viện khác tiếp tục hành động.
Tuy nhiên, không phải lúc đông người, bọn chúng mới chọn thời điểm ra tay. Có khi rất vắng, ít người nhưng chúng vẫn thực hiện trót lọt. Khi đó, chúng lợi dụng tâm lý của người đi khám, chữa bệnh hoặc người nhà đi theo lơ là, mất cảnh giác... để hành động. Vì lúc này ai cũng nghĩ rằng, trộm cắp, móc túi chỉ dám hành động lúc đông người, chen lấn, chứ ít người như thế này thì không sao. Thế nhưng, đôi khi đấy chính là cơ hội tốt nhất cho bọn xấu.
Chị N.T.T. (34 tuổi, ngụ thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) lên khám bệnh tại một bệnh viện ở quận 5 bị mất bóp, trong đó có hơn ba triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân theo kiểu như vậy. Chị T. kể: “Lúc đó là vào buổi chiều, tôi đang ngồi đợi kết quả xét nghiệm thì có một đôi nam nữ thanh niên lại ngồi gần. Sau đó, có một người đàn ông khác tiến đến và đứng cách tôi không xa. Có lẽ chúng đã thấy cái bóp của tôi lòi ra từ phía túi áo khoác, nên đã dàn cảnh sẵn”.
Chị T. kể tiếp: “Đến khi tôi đứng dậy, chuẩn bị đi lại chỗ lấy kết quả thì đôi nam nữ thanh niên cũng đứng dậy, họ như là bệnh nhân đi khám rồi tỏ ra vô tình đụng phải tôi. Còn nam thanh niên kia vẫn đứng đó, ngó qua ngó lại. Tôi nghĩ chỉ là vô tình nên không để ý gì nhưng đến khi ra đường, phía trước cửa bệnh viện mua chai nước thì phát hiện ra bóp mình đã không còn nữa”.
“Lúc này chỉ biết ôm mặt khóc, mất đi mấy triệu bạc dành dụm được để lên khám bệnh. Vì không có cơ sở mất bóp từ lúc nào nên không dám vào bệnh viện hay công an để trình báo vụ việc”, chị T. cho biết thêm. Ngoài “đóng cảnh” như trên, thì chúng còn tìm cách làm quen và hỏi han rất nhiều về chuyện bệnh tình, quê quán của con mồi khi tiếp cận được, rồi chờ cơ hội trộm cắp tài sản. Có thể là mời uống nước, gửi nhờ đồ đạc... để tạo lòng tin. Sau đó, nếu con mồi sơ hở là chôm chỉa rồi tìm cách tháo thân.
Khi đó, chúng bỏ ra mấy chục ngàn để mua sổ, đóng tiền khám bệnh (số tiền này không nhiều) nhưng nếu thành công thì có khi chúng hốt được vài ba triệu là chuyện thường. “Có ngày chúng có thể kiếm được vài chục triệu đồng”, ông Thành nói. Thực tế, từ đầu năm tới nay, tại các bệnh viện đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến các vấn nạn này. Như ở bệnh viện Bình Dân cũng trên chục vụ, ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng gần chục vụ... giao các đối tượng này cho công an địa phương và đơn vị phối hợp.
Ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 60 bệnh viện cấp Trung ương và thành phố. Đó là chưa kể hơn 30 bệnh viện tư nhân, hơn 6.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Trao đổi với PV, Thiếu tá Phan Văn Tuấn, Công an TP.HCM nhận định: “Thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự xã hội tại một số cơ sở khám chữa bệnh diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt là hoạt động của một số đối tượng tội phạm trà trộn vào cơ sở khám chữa bệnh để lấy cắp tài sản, tiền bạc, giả danh bác sỹ để lừa bệnh nhân… Thủ đoạn trộm cắp của các đối tượng ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp. Chúng lợi dụng những nơi đông người như chờ lấy số khám bệnh, chờ thanh toán viện phí… sơ hở là ra tay lấy cắp”. |
Còn nữa…
CHÍ THANH
[mecloud]OOw5qCbPyM[/mecloud]