Tại Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định về điều kiện của người lái xe khi tham gia giao thông. Theo đó, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Đồng thời theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì xe ôtô và xe máy là 2 loại phương tiện cơ giới khác nhau nên khi điều khiển phương tiện nào, người lái xe phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đó.
Theo luật giao thông đường bộ, giấy phép lái xe (bằng lái xe) là loại giấy tờ chứng nhận người sở hữu có đủ điều kiện và khả năng điều khiển một loại phương tiện xe cơ giới nào đó.
Luật này cũng quy định người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông bắt buộc phải có bằng lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Có nghĩa là khi điều khiển xe mô tô, người lái phải có bằng xe máy. Nếu lái xe ô tô, tài xế phải có bằng lái ô tô. Và tất nhiên không thể dùng bằng ô tô để thay thế cho bằng lái xe máy và ngược lại.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, người tham gia giao thông không thể dùng bằng lái xe ô tô thay thế cho bằng lái xe máy. Nói cách khác, người điều khiển phương tiện phải sử dụng bằng lái xe phù hợp với loại xe mà mình đang điều khiển.
XEM THÊM: Mức xử phạt đối với ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện không xuất trình được bằng lái tại thời điểm kiểm tra thì cảnh sát giao thông có quyền lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy phép lái xe và tạm giữ xe theo quy định. Thời hạn tạm giữ phương tiện là 7 ngày kể từ ngày tạm giữ.
Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh thì được kéo dài thời hạn tạm giữ nhưng không quá 30 ngày.
Thục Hiền(T/h)