Camera hành trình (hay còn được gọi là camera giám sát hành trình) là một thiết bị có chức năng ghi lại hình ảnh, âm thanh trong quá trình xe ô tô di chuyển.
Thông tin sẽ được truyền trực tiếp tới người lái xe trong quá trình tham gia giao thông, phát sóng từ xa tới những người có quyền truy cập thông qua sóng không dây và được lưu trữ trong bộ nhớ của máy.
Camera hành trình còn có chức năng quan sát giao thông vào ban đêm, chỉ đường dẫn đường thông qua hệ thống GPS, đọc biển báo giao thông, cảnh báo và đo tốc độ các phương tiện đường bộ.
Điều quan trọng, camera hành trình hỗ trợ lái xe an toàn, tránh vi phạm luật giao thông, giúp giám sát và bảo vệ xe, phòng chống trộm cắp. Lưu lại bằng chứng bảo vệ tài xế khỏi những tình huống va chạm không đáng có. Trong trường hợp cần thiết đây sẽ là bằng chứng quan trọng cung cấp cho cơ quan chức năng, giúp ích cho cộng đồng.
Phương tiện nào cần phải lắp camera hành trình?
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau:
"Điều 13. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
...
2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét."
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô như sau:
"Điều 14. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
...
2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét."
Như vậy, việc gắn camera hành trình không áp dụng trên mọi loại xe ô tô mà chỉ áp dụng trên các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa.
Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe ô tô phải đảm bảo:
- Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
- Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
Mức xử phạt trong trường hợp không lắp camera hành trình?
+ Đối với người điều khiển xe ô tô: Căn cứ điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Phạt tiền từ 1.000.000đ - 2.000.000đ người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa:
- Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera);
- Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
+ Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Căn cứ Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 5.000.000đ - 6.000.000đ đối với cá nhân, từ 10.000.000đ - 12.000.000đ đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera);
- Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định;
- Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 - 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.
Cũng cần lưu ý, nếu có lắp camera hành trình nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe hoặc sử dụng biện pháp để làm sai lệch dữ liệu của camera lắp trên xe, cả người điều khiển và đơn vị kinh doanh cũng sẽ bị phạt tiền như lỗi không lắp camera hành trình (theo khoản 12 và khoản 13 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Bảo An