+Aa-
    Zalo

    Bàng hoàng với hệ lụy của chứng cuồng yêu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi PV tiếp xúc với những kẻ phạm tội sát hại người tình, họ đều biện minh cho hành động của mình là vì quá yêu

    (ĐSPL) - Khi PV tiếp xúc với những kẻ phạm tội sát hại người tình, họ đều biện minh cho hành động của mình là vì quá yêu. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, ranh giới giữa tình trường và chiến trường đang mong manh hơn bao giờ hết. Khi không đạt được mục đích, nhiều kẻ tình si sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác chỉ vì chữ “yêu” không đúng nghĩa.

    Hội chứng "không được yêu thì giết" do lối sống ích kỷ của giới trẻ (tranh minh họa)

    Hết khôn dồn ra dại

    Đã từ lâu, trên mạng internet xuất hiện nhiều hội mang khẩu hiệu từ dị hợm đến bệnh hoạn. Trong đó, nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến một nhóm người tham gia hội “không yêu được thì giết”. Chỉ trong một thời gian ngắn, hội này đã có hàng ngàn bạn trẻ tham gia. Thâm nhập diễn đàn, chúng tôi được tiếp xúc với những chuyện tình bi thảm của những thành viên. Ở dưới mỗi câu chuyện là hàng trăm bình luận và hầu hết là những ý kiến “hiến kế” tiêu cực.

    Phải rất khó khăn, tài khoản của PV mới được chấp nhận vào nhóm này. Chia sẻ với chúng tôi, nickname Killyou, một thành viên trong hội chia sẻ: “Em vào hội này từ khi chia tay bạn gái. Ở đây toàn những người cùng cảnh thất tình nên nói chuyện với nhau rất dễ và hợp. Tuy nhiên, ngoài những thành viên an ủi, động viên nhau vượt qua khó khăn thì cũng không ít người tiêu cực xúi giục người khác làm điều xấu.

    Chính vì vậy, bất cứ ai cũng phải tỉnh táo trước những “lời khuyên” của người khác”. Một chuyên gia lo ngại, vào trang mạng này cộng với những cuốn “giáo trình” dạy giết người trên mạng, phải chăng, những vụ án mạng đau lòng thời gian gần đây xảy ra là do những “hội hè” kiểu như vậy?

    Cách đây không lâu, dư luận phẫn nộ trước vụ việc một thành viên đã đăng thông tin sẽ giết bạn gái vì chia tay trên facebook. Tưởng người này nói đùa, nhiều thành viên xúm vào “bơm kích”, cổ xúy. Thế rồi, sau đó mấy ngày, gã này “đăng đàn” thông báo đã tước đi mạng sống của người mình yêu, thậm chí còn đăng ảnh để chứng minh lời mình nói. Thì ra những lời hắn cảnh báo trước đó là thật. Lúc này, nhiều người mới lo sợ và hối hận vì đã trót “cổ xúy” hắn. 

    Trong quá trình tác nghiệp, PV tiếp xúc với một số đối tượng phạm tôi giết người, nạn nhân là người tình, người yêu, các sát thủ đều khẳng định rằng xuống tay vì cuồng yêu. Nhiều người nại rằng, khi chứng kiến người yêu bỗng dưng chia tay, họ đã nghĩ ra rất nhiều phương án để níu kéo. Và khi trăm phương ngàn kế đều thất bại, phương án cuối cùng họ đưa ra là kết liễu mạng sống của người yêu, với tâm lý không ăn được thì đạp đổ, không cho kẻ khác sở hữu người tình của mình. Khi bị bắt, hầu hết các hung thủ đều tỏ ra hết sức hối hận. Thậm chí có người còn tìm cách tự tử trong trại tạm giam để được chết cùng người tình.

    Cuồng yêu hay cuồng điên?

    Trao đổi với PV về hội chứng cuồng yêu, "không yêu được thì giết", GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, đó không phải là cuồng yêu mà là cuồng dại. Một số bạn trẻ hiện nay quá manh động, liều lĩnh, không biết tôn trọng cuộc sống của chính mình và người khác.

    Họ bế tắc về tư tưởng, đạo đức, lối sống và chính điều này đã đưa đến những hành vi cuồng vọng, côn đồ. “Đọc và nghe những vụ thảm án thời gian gần đây khiến tôi thấy đau xót vô cùng, có lẽ, một số bạn trẻ họ đã coi "tình trường như chiến trường". Khi họ không yêu được người trong mộng, hoặc không được yêu nữa, người yêu cũ đi tìm hạnh phúc mới thì họ sẵn sàng "không ăn được thì đạp đổ", sát hại người yêu rất dã man”, GS.TS Lê Thị Quý chia sẻ.

    GS. Quý cho rằng, giới trẻ đang phân hóa thành hai loại, một là những bạn trẻ học hành giỏi giang, thành đạt, sống vì cộng đồng, xã hội và ngược lại, một số bạn trẻ đang rơi vào sự bế tắc, suy thoái về đạo đức, có lối sống cuồng dại. Những hành động của họ đã thể hiện khá rõ bản chất thú tính.

    Cũng theo vị chuyên gia này, nhiều bạn trẻ cho rằng, yêu là phải “độc quyền” sở hữu hoặc phải đoạt được người mình yêu bằng mọi giá nhưng đó không phải là đỉnh cao của tình yêu mà đó là một sự ích kỷ cao độ đến mức bẩn thỉu. Để rồi, những tội ác mà họ gây ra rồi tự biện minh rằng đó mới chứng tỏ là tình yêu. Cách thể hiện cảm xúc của họ còn quá thiên về thú tính, không chỉ dại dột mà còn cực kỳ ngu xuẩn khi họ áp đặt suy nghĩ thấp hèn lên người khác. Họ tự đẩy tình yêu của mình đến bi kịch và người lãnh hậu quả chính là người yêu và bản thân.

    Nhiều bạn trẻ hiện nay đang bị nhiễm phải phim bạo lực, khiêu dâm... có thể coi đó là bi kịch của truyền thông. Chúng ta sẽ phải trả giá ở rất nhiều thế hệ. Ở những người này, chuẩn mực đạo đức đang lệch lạc, sự chiếm lĩnh đã thay thế tình yêu, tôn trọng cái đẹp, tôn trọng người mình yêu. Chính vì vậy, chúng ta cần có các biện pháp xử lý thật kiên quyết với những tên "cuồng dại" này. Gia đình, nhà trường, xã hội phải kết hợp chặt chẽ trong việc giáo dục thanh thiếu niên sống có nhân cách, biết yêu thương con người và biết chấp nhận khi thất bại. Chỉ những người như vậy mới thành công trong cuộc đời, làm đẹp cho gia đình, xã hội.

    Cùng trao đổi với PV, một chuyên gia của tổng đài tư vấn tâm lý, tình cảm, sức khỏe sinh sản 1900 66 74 cho hay, bà cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi để chia sẻ, xin lời khuyên về những cuộc tình, tâm trạng của họ khi phải rời xa người mình yêu. Những người thất tình thường rơi vào trạng thái tự ti, bế tắc, thậm chí nhiều người không làm chủ được bản thân.

    Không ít chàng trai còn tâm sự rằng muốn chết cùng người yêu để mãi mãi bên nhau. “Khi đứng trước những người như vậy, tôi thường khuyên họ tỉnh táo và có cách xử lý nhẹ nhàng, nêu cao sự bao dung. Bởi, khi họ đang trong giai đoạn tâm lý cực đoan thì mọi chuyện sẽ có thể xảy ra. Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do lối sống lệch lạc, cùng với vốn sống và môi trường sống thay đổi đột ngột. Một số bị hạn chế trong nhận thức và gần như bế tắc do ảnh hưởng của lối sống ích kỷ.

    Bên cạnh đó, khuynh hướng sử dụng sức mạnh không loại trừ bạo lực cũng là sự lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ. Đó là biểu hiện của sự vụng về trong cảm xúc, sự lúng túng cùng thái độ bế tắc trong hành vi ứng xử. Ở một góc độ nhất định, những bạn trẻ này chưa nhận ra giá trị cao cả của tình yêu là sự dung hòa hay hòa hợp”, chuyên gia này nhấn mạnh.     

     HẰNG CHƯƠNG

    Kinh hoàng những thảm án “không yêu được thì giết”

    - Ngày 15/5, khi biết người yêu sắp đi lấy chồng, Phạm Thế Anh (23 tuổi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã cầm dao lẻn vào nhà, đâm chết người yêu rồi tự tử.

    - Ngày 3/5, Nguyễn Xuân Chiến (25 tuổi, ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã truy sát cả nhà người yêu khi cô này nói lời chia tay để đi xuất khẩu lao động.

    - Trước đó ngày 30/3, Nguyễn Ngọc Tuấn (21 tuổi, ở huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) dùng mìn tự chế để cùng chết khi gia đình bạn gái không cho yêu.

     


     

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bang-hoang-voi-he-luy-cua-chung-cuong-yeu-a97018.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.