Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tỏ ra lúng túng, trả lời chưa thuyết phục nên đại biểu (ĐB) liên tục phải giơ bảng tranh luận đi, tranh luận lại.
“Bán tài sản nhà nước rẻ như cho”?
Đề cập đến quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phản ánh tình hình thất thoát nguồn thu từ nhà đất còn phổ biến do giá đất không tính theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi CPH các giá trị đất hiện nay thì đang xác định đất thuê của nhà nước và không tính vào giá trị của doanh nghiệp. Sau khi CPH xong, nếu chuyển các mục đích sử dụng đất này thì các lợi thế so sánh các giá trị địa tô tăng lên sẽ thuộc về doanh nghiệp, không thuộc về nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn sáng ngày 15/6 - Ảnh: báo Tiền Phong |
Để xử lý việc này, ông Dũng đề nghị, trước khi CPH phải rà soát lại tất cả các loại quỹ sử dụng đất, những loại đất nào không có nhu cầu sử dụng thì phải trả lại cho nhà nước. Bên cạnh đó, tất cả các quỹ đất đang sử dụng phải được công khai hóa một cách minh bạch để các nhà đầu tư tính toán lựa chọn và quyết định giá trị của doanh nghiệp.
Đề cập thực trạng CPH DNNN bán rẻ như cho, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết, vừa qua dư luận rất xôn xao về việc một quan chức của một bộ sở hữu cổ phần tại một doanh nghiệp mình từng quản lý lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy vai trò, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc CPH, thoái vốn tại các DNNN được thực hiện như thế nào? “Làm sao để việc thoái vốn, CPH DNNN không có tình trạng bán rẻ như cho để rồi quan chức quản lý doanh nghiệp bỗng nhiên trở thành các nhà tư sản”, ông Sinh nêu câu hỏi. Tuy nhiên câu hỏi chưa được Bộ trưởng trả lời, do hết giờ.
Thất thoát, ách tắc đầu tư công
Đề cập đến nguồn vốn 80 nghìn tỷ đồng bố trí cho công trình quan trọng quốc gia nhưng chưa phân bổ chi tiết, giải ngân vốn đầu tư chậm, vốn ODA dự toán luôn thiếu, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt vấn đề “có phải vẫn tồn tại cơ chế xin - cho, hay do Bộ KH&ĐT tham gia quá sâu vào việc phân bổ nên gây ách tắc?”. Tuy nhiên, khi trả lời, Bộ trưởng Dũng lại tỏ ra lúng túng khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải đỡ lời.
Theo Chủ tịch Quốc hội, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000 tỷ chống ngập TP Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc-Nam chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới. “Trách nhiệm chính là do các bộ, ngành và Bộ KH&ĐT đã chậm làm thủ tục hồ sơ trình ra Quốc hội, nên chưa phân bổ được”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội về nội dung trả lời trên, ông Dũng cho biết thêm, việc dự toán ODA luôn luôn thiếu và chậm là do việc xây dựng kế hoạch chậm. ĐB Hàm “truy” lại, phải chăng nguyên nhân do Bộ KH&ĐT tham gia sâu vào quá trình thẩm định và khả năng cân đối nguồn vốn nên “quá tải”. “Tôi nghĩ đây là việc làm ách tắc đầu tư”, ông Hàm nói.
Ông Hàm cho rằng, nếu cứ để tình trạng thiếu tổng mức đầu tư như thế này sẽ khiến chi phí tăng lên, gây lãng phí rất lớn.
Cho rằng phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “chưa quyết liệt, chưa toàn diện”, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị, Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý gắn với trách nhiệm người quyết định đầu tư với hiệu quả đầu tư dự án, cả về kinh tế, xử lý hình sự. Chế tài này theo ông Vượt, phải “truy” trách nhiệm của những người quyết định đầu tư đã nghỉ hưu. “Như thế mới chặn đứng tình trạng các công trình đầu tư khủng, đắp chiếu dở dang, rồi gửi lại cho người kế nhiệm”, ông Vượt nói.
Bộ, ngành “thích” ôm việc
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) và ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) giơ bảng tranh luận và cho rằng, Luật Đầu tư công đang bộc lộ nhiều vấn đề về phân cấp, phân quyền, đi ngược lại với mục tiêu của Chính phủ. “Năm 2016, đặc biệt là quý I năm 2017 hầu như chúng ta không khởi công mới những công trình lớn”, ông Thể nói và khẳng định, nguyên nhân một phần do những bất cập trong Luật Đầu tư công, dẫn đến không đưa tiền ra đến công trình.
Ông Dũng cho biết, sẽ xem xét và báo cáo lại với Chính phủ để chỉnh sửa, rà soát lại tính pháp lý của các quy định, giải quyết ách tắc cho các địa phương. Tuy nhiên, ĐB Tâm không thỏa mãn: “Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ Luật Đầu tư công để phân cấp mạnh hơn nữa. Chứ như hiện nay là phân cấp ngược, có nghĩa là kéo về Bộ nhiều hơn, gây khó khăn và lúng túng cho địa phương”.
Làm rõ hơn vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 giải ngân vẫn còn chậm. “Tiền dự toán thì Chính phủ và Bộ Tài chính luôn bảo đảm nhưng lại có việc không phân bổ hết dự toán, có tiền không tiêu hết được”, Phó Thủ tướng nói. Theo Phó Thủ tướng, việc giải ngân chậm, không đạt kế hoạch là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Phó Thủ tướng cho rằng, còn tình trạng thích “ôm việc” của các bộ, ngành. “Một số bộ thấy việc gì cũng quan trong, việc gì cũng to, để bộ làm. Việc phân cấp cho địa phương chưa quyết liệt, không thể biện minh hay chối cãi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.