(ĐSPL) - Mang trong mình 2 tiền án về tội trộm căp, chồng đang đi tù, một nách 3 con, Hải thường đưa con gái lớn và con trai 3 tuổi đi trộm đồ.
Theo báo Vietnamnet, ngày 29/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử mẹ con bị cáo Chu Thị Hải (SN 1977, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) và Phạm Tuyết Nhi (SN 1996) tội Trộm cắp tài sản.
Sở hữu 2 tiền án, chồng đang đi tù, một nách 3 con, Hải thường đưa con gái lớn và con trai 3 tuổi đi trộm đồ.
Theo cơ quan điều tra, Hải khai đã xúi giục con gái là Phạm Tuyết Nhi (SN 1996) và con trai là cháu Phạm Tuấn Tài (SN 2012) cùng đi trộm cắp tài sản.
Từ ngày 10/10/2015 đến 17/4/2016, 3 mẹ con Hải đã cùng nhau thực hiện 3 vụ trộm cắp ở Hà Nội.
Hai mẹ con bị cáo tại tòa - Ảnh: báo Vietnamnet |
Báo An ninh thủ đô thông tin, sáng 19/3, Nhi điều khiển xe máy chở mẹ và em trai tới cửa hàng quần áo, tại phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để tìm sơ hở ra tay trộm cắp. Tại đây, Nhi đứng bên ngoài đợi sẵn, còn Hải và con trai hơn 3 tuổi vào bên trong cửa hàng quần áo.
Trong vai người đi mua sắm, Hải gọi chị Nguyễn Thu Trang (nhân viên cửa hàng) đi ra phía cửa ra vào cửa hàng để hỏi han, đồng thời ra hiệu cho cháu T đi vào quầy thu ngân lấy cắp chiếc điện thoại iPhone 5S cất giấu vào trong quần bỉm mặc bên trong.
Ngay sau đó, thấy cháu T chạy ra chỗ chị gái đỗ xe máy bên ngoài, Hải hiểu ý là đứa con trai hơn 3 tuổi đã lấy cắp được tài sản nên kiếm cớ và cùng các con nhanh chóng “rút êm”. Chiếc điện thoại này, về sau được Hải bán cho một người ở quận Ba Đình được 800.000 đồng.
Cũng với thủ đoạn như trên, 3 ngày sau, Hải điều khiển xe máy chở con gái 20 tuổi và con trai hơn 3 tuổi tới một cửa hàng mỹ phẩm, ở phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Tại đây, 3 mẹ con Hải cùng bước vào cửa hàng trong vai người đi mua sắm mỹ phẩm.
Vờ xem hàng hóa, Hải và Nhi thay nhau “che mắt” nhân viên bán hàng, còn cháu T tới chỗ quầy thu tiền và lấy cắp chiếc điện thoại của nữ nhân viên của cửa hàng mỹ phẩm cho vào trong quần, rồi đi thẳng ra chỗ để xe máy bên ngoài đứng đợi.
Nhận thấy dấu hiệu vụ trộm cắp thành công, Hải cùng con gái lập tức viện lý do và nhanh chóng “biến khỏi” cửa hàng mỹ phẩm. Quá trình điều tra, cơ quan xác định chiếc điện thoại của nhân viên của cửa hàng mỹ phẩm ở quận Cầu Giấy có giá 4 triệu đồng. Trong khi ấy, mẹ con Hải chỉ bán tài sản trộm cắp với giá 3 triệu đồng.
Tương tự, bằng thủ đoạn biến đứa con trai hơn 3 tuổi thành công cụ phạm tội, ngày 17/4, Hải cùng Nhi tiếp tục gây ra vụ trộm cắp chiếc điện thoại iPhone 5 tại một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại, trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa.
Theo truy tố, tổng giá trị tài sản trong các vụ trộm cắp nêu trên của 3 mẹ con bị cáo Hải là 9,3 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 trong số 3 chiếc điện thoại là tang vật của vụ án đã được cơ quan công an thu hồi và trao trả cho các bị hại.
Tại tòa, Hải cùng con gái lớn đều thành khẩn khai nhận tội phạm như nêu trên. Lý giải về việc dùng đứa con trai hơn 3 tuổi để thực hiện các hành vi trộm cắp, nữ bị cáo này cho biết chỉ sau vài lần cho con trai đi theo, cháu T đã nhanh chóng thành thục “quy trình” trộm cắp tài sản.
Bị tòa thẩm vấn, bị cáo Nhi cũng trình bày, em trai thiếu nữ này rất thông minh và lanh lợi. Do đó, mặc dù mẹ bị cáo chỉ hướng dẫn qua loa nhưng bé T đã nhanh chóng phải làm gì, mỗi khi cả 3 mẹ con Hải cùng bước vào một cửa hàng nào đó.
Với hành vi tội phạm gây ra, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Chu Thị Hải 20 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Tổng hợp với 2 bản án trước đó cũng về tội trộm cắp, bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung là 37 tháng tù giam. Giữ vai trò đồng phạm, Phạm Tuyết Nhi bị tòa án tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án “treo”.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)