(ĐSPL) - Trên thực tế, biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền thay bằng việc tạm giữ, tạm giam đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Còn ở nước ta, nhiều chuyên gia cho rằng, việc có nên áp dụng biện pháp này hay không tùy thuộc vào tính chất hành vi phạm tội của đối tượng đó.
Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, một PGS giảng dạy về luật hình sự và tội phạm học (xin giấu tên) cho biết, quy định về bảo lĩnh, đặt tiền đã được các nước trên thế giới áp dụng từ rất lâu.
Những nước áp dụng biện pháp này đa phần là theo hệ thống án lệ và họ kiểm soát rất chặt chẽ làm sao để người nghèo cũng có thể nộp tiền bảo lĩnh. Trong khi đó, nước ta theo hệ thống luật thành văn và mấy năm gần đây mới đề cập đến bảo lĩnh, đặt tiền thay vì tạm giam, tạm giữ. Nếu lạm dụng hình thức này mà không nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ dẫn đến hiện tượng chỉ người giàu mới có tiền bảo lĩnh và người nghèo vẫn bị tạm giam, tạm giữ như vậy sẽ gây ra sự mất bình đẳng trong xã hội.
Theo chuyên gia này, khi học mô hình của các nước áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền cần phải nghiên cứu toàn bộ hệ thống pháp luật của họ. Chúng ta không thể "bê" một phần luật của người ta về áp dụng trong luật mình. Cũng cần phải xem xét hệ thống luật của các nước xem có những cơ chế, biện pháp đảm bảo nào để khi áp dụng vào nước ta, người không có tiền bảo lĩnh, đặt tiền vẫn không bị tạm giam, tạm giữ để đảm bảo công bằng. Bởi vậy tôi muốn nói rằng không phải cái gì hay của nước ngoài mà đưa vào luật của ta đã hay, thậm chí còn gây ra những ảnh hưởng, tác động không tốt đối với xã hội.
"Dù luật có hoàn thiện thế nào đi nữa mà con người thiếu chuẩn mực, không có đạo đức nghề nghiệp thì án oan vẫn còn. Thực tế, xưa nay chỉ đề cập đến vấn đề sửa đổi luật mà không nói đến những người đại diện pháp luật", vị này nói.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Chu Văn Vẻ, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao chia sẻ: "Đã mấy chục năm nay, tôi luôn quan tâm và suy nghĩ về chuyện án oan. Bởi vậy, theo tôi, việc giảm bớt lạm dụng tạm giữ, tạm giam để thay thế bằng các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền là biện pháp rất văn minh. Đây là một hướng đi tốt nhằm hạn chế tối đa oan sai".
Luật sư Chu Văn Vẻ. |
Cũng theo LS. Vẻ, một thực tế cần thừa nhận là chuyện oan sai trong xét xử thì bất kể nền tư pháp nào cũng khó tránh khỏi. Thế nhưng, để đến mức những vụ việc khiến dư luận bức xúc như Nguyễn Thanh Chấn... không còn là cá biệt thì không ai chấp nhận được.
Trong khi đó, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cũng đã thẳng thắn chia sẻ với PV về đề xuất này. Theo LS. Xiểm, biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền thay bằng việc tạm giữ, tạm giam đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Còn ở nước ta, dù đã có quy định trong BLTTHS nhưng việc có nên áp dụng biện pháp này hay không thì còn tùy thuộc vào tính chất hành vi phạm tội của đối tượng đó. "Với những bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nếu cho họ đặt tiền, nếu có cơ hội họ trốn khỏi địa phương sẽ rất nguy hiểm cho xã hội. Cũng cần phải có những quy định cụ thể đối với những cá nhân đứng ra bảo lĩnh, có thể phạt tiền với người bảo lĩnh nếu bị can, bị cáo bỏ trốn", ông Xiểm nhấn mạnh.
Từng được đào tạo luật tại phương Tây, vị PGS giảng dạy về luật hình sự và tội phạm học đánh giá, các quy định về tạm giam, tạm giữ của ta hiện nay khá toàn diện và đảm bảo chặt chẽ. Vấn đề để xảy ra án oan, án sai không phải do luật mà do người thực thi. Thực tế mà nói có chuyện Cơ quan điều tra bức cung, nhục hình bị can, bị cáo để họ phải khai, thậm chí lên "kịch bản" bắt họ làm theo. Không ít trường hợp cán bộ điều tra bắt tạm giam "làm tiền", ví như có trường hợp người ta chỉ xô xát nhẹ cũng tạm giữ, tạm giam rồi bức cung, nhục hình bắt họ phải "xì tiền" để được tại ngoại theo đúng quy định của pháp luật(?!). |