Học trò làm bài văn tả bố của mình đến hơn 2 trang giấy nhưng khi đọc thì ai nấy đều không khỏi giật mình. Bài văn viết như sau: "Ngày xửa ngày xưa nhà em có nuôi một chú bố. Chú bố em tên là Mạnh, nhưng mọi người không gọi bố Mạnh mà gọi là nghiện.
Bố Mạnh có hai cánh tay và hai cái mắt. Bố Mạnh cao hơn bằng một nửa cái giường hoặc hơn. Vì bố không biết nên thường nằm trên cái giường để xem mình dài mấy mét. Mẹ Mai hay quát bố suốt ngày nằm đo giường.
Bố Mạnh thích xem chương trình quay xổ số ở trên tivi, mỗi lần bố xem là hai mắt bố lồi ra. Hôm nào bố trúng đề bố lại cười to ơi là to.
Bố Mạnh là một người rất giỏi, xung quanh nhà em ai mất cái gì cũng đến hỏi bố. Nhà cô Linh mất xe đạp cũng sang hỏi bố em. Nhà bà Bích mất cái chậu cũng sang hỏi bố em.
Ai đến hỏi cũng tìm thấy đồ bị mất. Nhưng mẹ em mất tiền hỏi bố thì bố lại không tìm thấy, sau đó mẹ em lại đánh bố. Bố Mạnh rất yêu thương các con. Bố Mạnh hứa với em là khi nào có tiền sẽ đưa em đi gặp chị T.N và anh T.B.B. thúi. Em cũng yêu bố nhiều".
Bài văn miêu tả về bố của học sinh này rất đúng cấu trúc, đi từ trình tự giới thiệu tên, rồi miêu tả dáng người, hoạt động thường ngày và đến cả mối quan hệ với hàng xóm.
Tuy nhiên, không ít người ngã ngửa vì lời văn toàn như là châm biếm, như: Mọi người gọi là nghiện, suốt ngày nằm đo giường, mắt lồi ra... Đến lời khen hiếm hoi "bố Mạnh là một người rất giỏi" cũng bị dập tắt ngay sau đó bằng chi tiết "xung quanh nhà em ai mất cái gì cũng đến hỏi bố".
Mọi người cho rằng ông bố có lẽ sẽ vô cùng sốc khi đọc bài văn của con. Thế nhưng nhiều người cũng cho rằng, cần góp ý với bé vì những lời lẽ như trên không nên có trong một bài văn của học sinh.
Các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cần để ý, giáo dục các bé những điều xấu, điều tốt, không để các bé bị ảnh hưởng.
Việt Hương (T/h)