Rất nhiều gợi ý được đưa ra để giải bài toán đố tìm số thích hợp điền vào ô trống hóc búa của học sinh lớp 3 này nhưng mỗi cách lại cho ra một kết quả khác nhau, chưa rõ đúng sai.
Mới đây, trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, thành viên Ngô Văn Tiệp vừa chia sẻ bức ảnh, được cho là đề toán nằm trong sách bài tập Toán lớp 3 có nội dung như sau:
Câu 5b của bài toán đố khiến người lớn cũng chào thua. |
Nhiệm vụ của học sinh là phải tìm số thích hợp để điền vào ô trống. Tuy nhiên giữa các số 0,1,3,14,28 và 45 đề bài đã cho sẵn không có bất kì điểm chung hoặc nguyên tắc nào để học sinh tìm ra số thứ tự tiếp theo. Kết quả, người làm bài đã để trống câu trả lời trên.
Bài toán đố hóc búa dành cho học sinh cấp 3 này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tự nhận mình "không thông minh bằng học sinh lớp 3" vì không có cách gì tìm ra được đáp án cho bài toán này.
Số khác đưa ra kết quả bằng cách tự đưa ra lập luận của riêng mình. Thành viên Phuc Nguyen đưa ra cách giải: "0,1,3 là mặc định, số tiếp theo là tổng 3 số với 10, 0+1+3+10=14, 1+3+14+10=28, 3+14+28+10=45, 14+28+45+10=97. Đáp án là 97".
Trong khi đó Nguyễn Minh Hiếu lại tìm ra một quy luật khác, anh giải như sau: "0+1+3=4, lấy 4+10=14, 1+3+4=8 lấy 8+20=28, 3+4+8=15 lấy 15+30=4, 4+8+15=27 lấy 27+40=67".
"Theo như tôi đoán thì câu này chính xác có kết quả như sau: Dãy số đã cho là 0, 1, 3, 14, 28, 45. Không kể 4 số đứng đầu thì số tiếp theo (số thứ 5) bằng tổng 3 số đứng liền trước nó cộng lại. Vì 28= 1+3+14, 45= 3+14+28. Nên số thứ 7 có kết quả là 14+28+45= 87. Cứ như thế ta có thể viết được dãy số là : 0,1,3,14,28,45, 87, 160, 292...." - Bạn Lan Phạm khẳng định. Thoạt nhìn, cách suy luận này có vẻ hợp lý nhất, tuy nhiên, khi xét kỹ, bản thân phép tính 1+3+14=28 đã sai.
Bên cạnh những lời giải trên, còn rất nhiều kết quả khác được đưa ra, nhìn chung tất cả lập luận đều logic và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, vẫn chưa ai dám khẳng định đâu mới chính là đáp án thực sự mà người ra đề muốn học sinh lớp 3 tìm ra.
Đa số phụ huynh xem xong bài toán này đều lắc đầu chào thua, cho rằng bài toán đã vượt qua tầm của một học sinh tiểu học.