+Aa-
    Zalo

    Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" làm đề luyện thi, HS hứng thú

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cô Tuyết cho biết, những ngày qua cô đã đọc nhiều thông tin về hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, nhiều cuộc biểu tình, nhiều hoạt động phản đối hành động của Trung Quốc diễn ra trên

    (ĐSPL) - Trò chuyện với PV, cô Tuyết cho biết, những ngày qua cô đã đọc nhiều thông tin về hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, nhiều cuộc biểu tình, nhiều hoạt động phản đối hành động của Trung Quốc diễn ra trên cả nước, cô đã quyết định đưa nội dung này vào đề văn để ôn luyện cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.
    Khơi dậy tình yêu đất nước từ đề thi cho học sinh
    Đề luyện thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ môn Ngữ văn do Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội ra ngày 12/5 cho lớp 12D1 thu hút nhiều sự chú ý. Phần viết luận của đề, cô Tuyết đưa sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam để học sinh trình bày suy nghĩ về chủ quyền dân tộc.
    Giáo viên dạy Văn của THPT Chu Văn An đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi đọc những bài viết của học sinh gửi về. Trong đó, các em thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến tình hình biển Đông những ngày qua, cập nhật diễn biến thực địa, các động thái trong nước và thế giới quanh vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 này. Hầu hết học sinh đều thể hiện thái độ căm phẫn trước hành động sai trái, ngang ngược của Trung Quốc và nêu cao khát vọng hòa bình.
    Có hai bài viết khiến cô Tuyết ấn tượng nhất là bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và thư gửi người cha làm chiến sĩ hải quân. Trong bài viết gửi Chủ tịch, em học sinh đã chia sẻ nỗi lo lắng khi nhiều người nói đất nước sẽ có chiến tranh mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đi xa. Tuy nhiên, em cũng tin tưởng rằng, với đường lối đúng đắn mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra cùng truyền thống yêu nước, ý thức chủ quyền mạnh mẽ, nhân dân Việt Nam sẽ giữ vững được nền hòa bình, độc lập dân tộc.
    Nói về cô giáo dạy Văn của mình, Linh Phương tự hào: "Cô Tuyết được học sinh nhiều thế hệ và thầy cô ở THPT Chu Văn An yêu kính bởi sự tận tâm với nghề". Cô giáo nghiêm khắc nhưng lại rất tình cảm. Mỗi bài giảng của cô Tuyết luôn đem đến cho học sinh nhiều hiểu biết về cuộc sống, đạo đức làm người. Việc cô thường đan xen kể các câu chuyện vào bài giảng cũng khiến học sinh tiếp nhận bài dễ hơn, làm không khí lớp học vui vẻ. Mỗi tuần giáo viên này đều ra một đề luyện thi Ngữ văn, trong đó có các vấn đề xã hộ để trò nghị luận.
    Hướng đến tình cảm cao quý nhất là tình yêu đất nước
    Có một điều rất thú vị, cô giáo Tuyết đã tỏ ra khá xúc động sau khi biết nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vốn là cựu học sinh chuyên văn trường Chu Văn An cách đây hơn 40 năm. PV đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Tuyết xung quanh việc trên.
    Cô có thể cho biết vì sao cô lại chọn bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” cho đề thi ôn luyện ngữ văn số 5 với các em học sinh lớp 12?
    Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đưa hơn trăm tàu có vũ trang vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm rúng động trái tim hàng triệu người dân Việt, đương nhiên sẽ là sự kiện mà không một học trò Việt nào có thể thờ ơ. Thời gian này, các em sẽ xúc động hơn với những vấn đề liên quan tới một tình yêu lớn lao hơn đó là tình yêu Tổ Quốc. Và đó cũng là tình cảm tôi muốn khơi gợi ở các em trong những ngày tháng nóng bỏng này của quê hương đất nước.
    Cách đây gần 2 tháng, Bộ GD-ĐT có đưa ra một số thay đổi mới trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyến sinh Đại học và Cao đẳng sẽ tập trung kiểm tra học sinh 2 kỹ năng; kỹ năng đọc - hiểu và kỹ năng viết. Trên cơ sở này của Bộ, hàng tuần, tôi đưa ra các đề thi cho học sinh và dạy trực tuyến. Tới đề thi thứ 5, tôi đã soạn các câu hỏi về một bài thơ tình yêu của nhà thơ Henrich Hainơ. Nhưng sáng hôm 11/5/2014 có thông tin trên truyền hình về các cuộc xuống đường biểu tình của người dân khắp ba miền Bắc-Trung -Nam đất nước và Việt kiều ở nước ngoài. Hơn thế nữa, trong tuần qua, tình hình biển Đông rất căng thẳng.
    “Tôi muốn khơi dậy tình yêu Tổ quốc cho các em học sinh”
    Tình yêu Tổ quốc được thể hiện trong thơ ca và cả trong những đề thi cho các em học sinh. (Ảnh minh hoạ)
    Chính vì thế, tôi đã thay đổi đề thi. Và chính việc thay đổi đề đã giúp tôi hiểu ra một điều rất thấm thía sự khác nhau giữa văn học sử thi và văn học thời hậu chiến. Trong thời điểm khi vận mệnh của đất nước được đặt lên hàng đầu mà mình cứ ngồi ngâm nga “tầm chương trích cú” vài điều về thơ tình yêu thì thấy nó lạc lõng nên tôi tìm đến những bài thơ về biển đảo. Mới đầu tôi định tìm đến bài thơ “Tiếng biển” đang gây tiếng vang trên mạng của người lính biển gửi về cho vợ con. Nhưng bài thơ này rất khó tìm ngữ liệu vì ngoài sự thô mộc của nội dung tình cảm thì chất liệu thơ còn phải đạt được giá trị nào đấy về nghệ thuật. Do vậy, tôi đã tìm đến bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển là bài thơ tôi đã thích từ cách đây mấy năm và đã lấy khổ thơ “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” làm đề tựa cho trang facebook cá nhân của mình.
    Trong đề thi, cô giáo nhắc nhiều đến hình tượng “sóng” và các điệp khúc trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”?
    Vì văn học là nhân học và liên quan đến con người và tất cả những gì thuộc về đời sống con người đều là đối tượng khám phá của văn học. Chính vì thế nên điều mà người dân Việt Nam quan tâm nhất trong thời gian này là vấn đề chủ quyền đất nước và biển đảo. Và “ngọn sóng” mà Nguyễn Việt Chiến nói trong thơ khi “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa” với “Trong hồn người có ngọn sóng nào không” là những “ngọn sóng” mà tôi muốn học sinh phải nhận biết được. Cho nên tôi có đưa câu hỏi trong đề thi là “Hình ảnh "sóng" trong hai câu cuối khổ thơ được thể hiện trong tầng ý nghĩa nào? Chỉ rõ biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ này? Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề Tổ Quốc nhìn từ biển?”.
    Kết quả các bài thi của học sinh lớp 12 D1 của trường Chu Văn An ra sao, thưa cô?
    Tôi rất phấn khởi là học sinh đều làm tốt đề thi mặc dù đây không phải là lớp học sinh chuyên văn khi các em đã nhận biết được các góc nhìn về chủ quyền đất nước và cái giá của chủ quyền khi các thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước. Tôi đã thấy mình không nhầm khi chọn đề thi này. Thật ra, đề thi này cũng là phép thử đối với cảm xúc của học trò và các em rất say mê hứng thú làm. Đề bài hình như đã chạm vào những xúc cảm trong sáng nhất của các em.
    Trong hai tiết, các em đã say sưa làm bài, quên cả thời gian, quên cả sự khắc nghiệt của cái nắng đầu hè oi bức. Khi chấm bài, tôi nhận thấy các em khá hứng thú với bài luận, hứng thú với ngữ liệu đọc hiểu đầy xúc động trong bài thơ của Nguyễn Việt Chiến. Nội dung của khổ thơ, nội dung nghị luận của bài luận cùng hứng thú đặc biệt của các em đã cho tôi một niềm tin vào sự cao quý trong tâm hồn Việt. Có khoảng 80\% học sinh làm các bài thi rất tốt.
    Cô giáo có cảm xúc gì khi biết tác giả bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại là cựu học sinh chuyên văn trường Chu Văn An cách đây 40 năm?
    Thật ra tôi rất bất ngờ, hôm qua có nghe nhà báo Từ Ngọc Lang (Sau khi nghỉ hưu tại báo Phụ Nữ Việt Nam, anh đang là cộng tác cho báo Đời sống và Pháp luật - PV) cho biết thông tin này, sáng nay (15/5) trên trang Facebook, có một nữ phóng viên ở báo Vietnamnet thông báo cho tôi rằng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là cựu học sinh Chu Văn An. Thật tình thấy rất thú vị khi cuộc đời này như có “hữu duyên thiên lý” chăng? Tôi chợt nghĩ đến một vần thơ trước đây của nhà thơ Tố Hữu rất chính trị: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” và nghĩ đến một tứ thơ khác: “Lớp anh trước, lớp em sau/ Đã thành tri kỷ sau câu thơ này”. Vì tuy cách nhau mấy thế hệ nhưng đều là học sinh trường Chu Văn An. Và, lớp học sinh hôm nay tìm đến bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của một của cựu học sinh ngày trước để đọc, hiểu và viết bài luận về bài thơ ấy. Như vậy, các thế hệ học sinh của trường Chu Văn An đã gặp nhau ở sự đồng điệu tình yêu đất nước.
    Tuy người ta có thể khác nhau về thế hệ, về cách sống, suy nghĩ tư duy, tuổi tác khác nhau nhưng các học sinh của trường nói riêng và nhiều người Việt Nam nói chung đều có thể cảm nhận được qua bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển và các bài văn của lớp học sinh hôm nay để hướng đến tình cảm cao quý nhất là tình yêu đất nước.
    Xin cảm ơn cô!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-tho-to-quoc-nhin-tu-bien-lam-de-luyen-thi-hs-hung-thu-a33843.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề thi Văn 12 với chủ đề Biển Đông

    Đề thi Văn 12 với chủ đề Biển Đông

    (ĐSPL) – Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã ra đề thi với chủ đề biển Đông lấy dẫn chứng từ bài thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển”.