Theo đó, trong phần đọc hiểu, đề bài trích lược phần lời 1 của đoạn rap để hỏi các học sinh một số câu hỏi nhằm đánh giá khả năng hiểu tiếng Việt của học trò. Ngoài ra, đề bài còn muốn học sinh bàn luận về quan điểm của câu hát đắt giá: "Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè".
Đọa ngữ liệu từ ca khúc top 1 xu hướng tiếp tục được đưa vào phần nghị luận xã hội trong phần làm văn. Ở phần này, thầy cô trích 2 câu hay nhất của bài hát là: "Mang tiền về cho mẹ/Đừng mang ưu phiền về cho mẹ" để học sinh trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình.
Đề kiểm tra trên tuy chỉ là đề thi thử song khiến nhiều học trò rất hứng thú vì khả năng bắt kịp xu hướng của các thầy cô.
Không chỉ vào đề thi Văn, nhiều bạn trẻ còn nhanh chóng "mượn" lời rap của Đen Vâu để sáng tạo thành những câu nói khác như: "Mang vợ về cho mẹ, đừng mang nợ về cho mẹ", "mang học bổng về cho mẹ", "mang bằng về cho mẹ", "mang robot hút bụi về cho mẹ", "mang tiền về cho vợ, đừng mang ưu phiền về cho vợ"... Thậm chí nhiều shop bán hàng online cũng tranh thủ bắt trend và ghép ảnh mang cả tivi, tủ lạnh... để hút khách hơn.
MV "Mang tiền về cho mẹ" được lan toả nhanh chóng đến giới trẻ những ngày qua. Ngay khi ra mắt, fanpage Đen Vâu đã chia sẻ thông điệp của ca khúc: "Điều mong mỏi lớn nhất của đa số những người mẹ không phải con mình làm trời làm bể, mà là muốn con bước ra đời tự nuôi sống được bản thân mình. "Mang tiền về cho mẹ" như một lời nhắn nhủ tới gia đình hãy yên tâm về "những đứa trẻ đi xa nhà", có việc làm, có đóng góp".
Hầu hết, người nghe đều cảm nhận và có đánh giá tích cực về thông điệp từ lời ca, nhịp điệu, câu từ giản dị. Nhất là khi bài hát được ra mắt vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán đã có tác động mạnh và chạm đến trái tim những bạn trẻ xa nhà, đi du học. Mỗi người nghe lại có một cảm nhận về ý nghĩa của lời rap khác nhau.
Việt Hương (T/h)