+Aa-
    Zalo

    Bài cuối: Lối thoát nào cho những lao động nhí bị vắt kiệt sức?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Liên quan đến nguyên dẫn đến tình trạng môi giới và sử dụng lao động trẻ em ngày càng tràn lan, nhiều chuyên gia cho rằng, không hẳn do pháp luật chưa đủ mạnh.

    (ĐSPL)- Liên quan đến nguyên dẫn đến tình trạng môi giới và sử dụng lao động trẻ em ngày càng tràn lan, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải pháp luật chưa đủ mạnh, chưa nghiêm mà do khâu thực thi pháp luật còn nhiều bất cập.
    Chính vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc sát sao kiểm tra, xử lý kịp thời. Để từ đó không còn xảy ra những hậu quả khôn lường từ việc môi giới, sử dụng lao động trẻ em gây ra.
    Cảnh giác với những lời dụ dỗ “ngồi mát ăn bát vàng”
    Trước những diễn biến phức tạo của tình trạng môi giới, sử dụng lao động trẻ em trên địa bàn quận Bình Tân như đã phản ánh ở hai bài viết trước, PV đã liên hệ với phòng Lao động, Thương binh & Xã hội quận Bình Tân (TP.HCM) để làm rõ những vấn đề liên quan.
    Tại đây, bà Nguyễn Thị Hồng Bạch, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội quận Bình Tân cho biết, vấn đề sử dụng lao động trẻ em trên địa bàn đã được chính quyền quận thường xuyên tuyên truyền và xử lý. Tuy nhiên, để có số liệu chính xác về xử lý các đơn vị sử dụng lao động trẻ em thì phải có báo cáo mới có thể thông tin đến báo chí được. Bà Bạch cho biết đã giao cho một cán bộ trong đơn vị cung cấp thông tin cụ thể cho phóng viên về vấn đề này.
    Cùng ngày, liên quan đến việc môi giới lao động trẻ em tại xã Yang Kang (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với một cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Yang Kang. Trả lời về việc môi giới lao động trẻ em của các “cò” trên địa bàn, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Yang Kang cho biết: “Hiện tại, UBND xã đã xác định được hai đối tượng là bà Mí Tiu và Mí Dui (người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Yang Kang) làm việc môi giới lao động trẻ em xuống TP.HCM. Cho đến nay, có năm trẻ em bị hai đối tượng này môi giới đi lao động tại TP.HCM. Trên cơ sở những thông tin có được, chính quyền xã đang phối hợp với UBND huyện Krông Bông tiến hành xác minh địa điểm làm việc của các lao động trẻ em bị hai đối tượng này môi giới. Đồng thời, vận động gia đình đưa các em về lại địa phương”. 
    Liên minh môi giới,
    Lao động trẻ em cướp đi tuổi thơ và khả năng phát triển của trẻ.
    Những lao động nhí bị vắt kiệt sức
    Trả lời về việc xử lý việc vi phạm pháp luật của hai đối tượng môi giới lao động trẻ em nói trên, ông Minh cho biết, đang chờ kết quả họp hội đồng UBND mới có biện pháp xử lý chính thức. Ngoài ra, chia sẻ về hoàn cảnh gia đình của năm lao động trẻ em bị môi giới nói trên, ông Minh cho hay: “Hoàn cảnh của các gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số có trẻ bị môi giới đi lao động rất khó khăn. Hầu hết, gia đình đông con, mấy em lại bỏ học sớm nên bị các đối tượng môi giới rủ rê lôi kéo đi xuống TP.HCM lao động trong các công ty, xưởng may mặc. Do thiếu hiểu biết, những người dân và các em bị môi giới không hề biết đến những nguy hiểm, khó khăn có thể gặp phải”.
    Trước đó, bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh của một số hộ gia đình người ê Đê (huyện Krông Bông) về việc con em họ bị dụ dỗ đi lao động tại TP.HCM, sở đã có công văn gửi các ngành chức năng của huyện tiến hành xác minh đường dây “cò” lao động. Kết quả xác minh cho thấy, lợi dụng cuộc sống kinh tế khó khăn và sự nhẹ dạ cả tin của một số hộ gia đình là người dân tộc thiểu số tại các xã Yang Kang, Yang Reh, Ea Trul, đối tượng H’Yu Bdap (tên gọi khác là Amí Hun, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã móc nối với một số chủ cơ sở may mặc tại TP.HCM để đưa hàng chục trẻ em xuống làm việc. Hầu hết các em đi lao động theo sự dụ dỗ của Amí Hun đều là con gái, tuổi đời còn rất nhỏ.
    Bà Khanh cho biết, huyện Krông Bông có 16 em trong độ tuổi 9-16 được đưa vào TP.HCM làm việc. Hầu hết các em này đều bị chủ bắt làm việc từ 7h sáng đến 22h khuya mỗi ngày, không có hợp đồng lao động. Các cơ sở sử dụng lao động thỏa thuận sẽ trả lương 18 triệu đồng/em/năm. Tuy nhiên, khi vào TP.HCM, các em bị vắt kiệt sức, làm việc nhiều tháng liền nhưng không được trả lương, mất liên lạc với gia đình. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, phòng đã báo cáo sở để có hướng xử lý, bảo đảm quyền lợi cho các em, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình có con em bị dụ dỗ để sớm có biện pháp hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện đưa các em trở về địa phương an toàn.
    Đánh giá về các quy định hiện hành xử lý các đối tượng môi giới lao động trẻ em, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết: “Điều 8 Bộ luật Lao động 2012 nghiêm cấm hành vi dụ dỗ, hứa hẹn để lừa gạt người lao động. Tuy nhiên, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ khi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lại không có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi của cá nhân có hành vi dụ dỗ, hứa hẹn để lừa gạt người lao động. Đây là một điểm bất cập trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính lao động, Chính phủ cần sớm có quy định bổ sung để có cơ sở pháp lý xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các “cò” môi giới nêu trên”.
    Liên minh môi giới,
    Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
    Cần trừng trị thích đáng những kẻ mất nhân tính
    Chia sẻ về quy định các đối tượng môi giới lao động trẻ em, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay: “Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định cá nhân, tổ chức sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật, sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định hoặc sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Trường hợp sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên (như mang, vác, sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ...) hoặc sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng”.
    Đánh giá về các biện pháp chế tài xử lý thực trạng sử dụng lao động trẻ em hiện nay, luật sư Hậu chỉ rõ: Quy định pháp luật đã có, thậm chí mức phạt trong một số trường hợp cũng rất nặng, vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại phương phải phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc chấm dứt các hành vi sử dụng lao động là người chưa thành niên trái pháp luật. Để làm được điều này, các cơ quan đó phải tích cực công tác thanh tra, kiểm tra, nắm địa bàn mình quản lý để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.      
    Ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách của trẻ
    Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc môi giới, sử dụng lao động chưa thành niên trái với quy định pháp luật sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển thể lực, trí lực, cũng như ảnh hướng tiêu cực tới quá trình hình thành nhân cách của người chưa thành niên. Đặc biệt, việc phải lao động trước tuổi sẽ làm cho trẻ em sẽ không còn thời gian để đi học. Lao động trẻ em cướp đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân phẩm, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em. Do đó, liên quan đến tình trạng môi giới lao động trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Lắk và sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đưa trẻ em trở về với gia đình, địa phương an toàn.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-cuoi-loi-thoat-nao-cho-nhung-lao-dong-nhi-bi-vat-kiet-suc-a41160.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan